Hơn 100 doanh nhân đến từ 11 bang của Ấn Độ trong các lĩnh vực: xây dựng, kỹ thuật, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, hóa chất, CNTT, du lịch và hơn 50 doanh nghiệp tại Kiên Giang tham dự hội nghị xúc tiến thương mại – đầu tư Ấn Độ - Kiên Giang được tổ chức tại TP Rạch Giá chiều 30/6.
Các doanh nhân Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp tác tại tỉnh Kiên Giang.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, các thành phố của Ấn Độ sẽ là thị trường nhộn nhịp, năng động để doanh nhân Việt Nam đến đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực. Thông qua hội nghị xúc tiến này, ông mong muốn các doanh nghiệp của hai nước trao đổi, tìm hiểu, liên kết hợp tác kinh doanh phát triển song phương.
Trong năm 2022, Kiên Giang đã đón 12.744 lượt khách du lịch Ấn Độ đến Phú Quốc, xếp thứ 5 về khách du lịch quốc tế đến Kiên Giang. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu giày da của tỉnh với kim ngạch 2,41 triệu USD (tăng 48,7% so với cùng kỳ). Kiên Giang cũng nhập khẩu mực đông từ Ấn Độ với kim ngạch 1,99 triệu USD (tăng 100,9% so với cùng kỳ). Tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận 3 khoản viện trợ từ Ấn Độ với trị giá 102.800 USD.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, mặc dù tỉnh có 20 khu, cụm công nghiệp; 54 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2,76 tỷ USD nhưng đến nay chưa có dự án đầu tư từ Ấn Độ. Ngoài ra, Kiên Giang có 17 sản phẩm chủ lực và 176 sản phẩm OCOP (trong đó có 06 sản phẩm 5 sao). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm: gạo, thủy sản, giày da, … xuất khẩu qua khoảng 50 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ (vào cuối năm 2022). Kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng giữa Ấn Độ và Kiên Giang.
Địa phương hy vọng thông qua hội nghị này sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp của Ấn Độ. "Với mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, sáng tạo, hiệu quả, xem thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh; Kiên Giang luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhất quán trong thực thi chính sách, đảm bảo hạ tầng, cung cấp nguồn nhân lực, dịch vụ thiết yếu và tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng đi đến thắng lợi’’, ông Nguyễn Thanh Nhàn cho biết thêm.
Ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực giày da, du lịch, giáo dục và thủy sản tại Kiên Giang.
Dịp này, Hiệp hội các nhà nhập khẩu Ấn Độ thương mại và công nghiệp ký kết 4 biên bản ghi nhớ với Kiên Giang về việc hợp tác, phát triển các lĩnh vực gồm giày da, du lịch, giáo dục và thủy sản với 4 đơn vị doanh nghiệp của Kiên Giang là Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang, Công ty cổ phần thương mại Kiên Giang, Hiệp hội du lịch Kiên Giang và Trường đại học Kiên Giang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!