Doanh nghiệp Anh chuẩn bị thế nào cho Brexit không thỏa thuận?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 21/12/2018 10:31 GMT+7

VTV.vn - Đến sát ngày rời châu Âu, nhiều doanh nghiệp Anh đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang thiếu sẵn sàng cho giai đoạn sắp tới.

Chỉ còn hơn 3 tháng là đến thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh Quốc hội Anh vẫn tranh cãi lớn về bản thoả thuận sơ bộ, khả năng xảy ra một "No deal Brexit" là không nhỏ, tức hai bên chia tay mà không đạt được thoả thuận. Chính phủ Anh mới đây cũng tuyên bố đã và đang có những dự tính đón đầu nhất định với tương lai Brexit không thoả thuận. Các dự báo bất ổn cho nền kinh tế Anh nếu xảy ra Brexit không thoả thuận đã được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, đến sát ngày rời châu Âu, vấn đề càng tỏ ra đáng ngại khi các phân tích cho thấy nhiều doanh nghiệp Anh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang thiếu sẵn sàng cho giai đoạn sắp tới.

Anh rời châu Âu không thoả thuận, xét về tác động kinh tế sẽ là kết quả tồi tệ nhất. Nhận định về sự chuẩn bị cho Brexit không thoả thuận của giới doanh nghiệp Anh, Thời báo tài chính không ngần ngại dùng từ "chắp vá". Báo này trích số liệu ước tính từ Liên đoàn công nghiệp Anh rằng chỉ có 1 trong 5 doanh nghiệp nội có các kế hoạch đón đầu giai đoạn tới.

Các kế hoạch cụ thể có thể kể đến như dời trụ sở kinh doanh ra nước ngoài, dự trữ thêm hàng hoá, cắt giảm nhân công hay điều chỉnh lại chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Một nhận định khác từ đại diện Văn phòng Thương mại Anh cho rằng, nếu tính về chuẩn bị cho Brexit nói chung, con số doanh nghiệp có tính toán cho các rủi ro có thể xảy ra cũng chỉ chiếm khoảng trên dưới 30%.

Tờ Thời báo tài chính cũng đưa ra đánh giá trên một số lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Kinh doanh dịch vụ tài chính và kinh doanh dược phẩm được cho là các lĩnh vực đi đầu trong chuẩn bị cho Brexit không thoả thuận. Nhiều doanh nghiệp dược phẩm Anh có đầu mối cung ứng nguyên liệu từ lục địa châu Âu và đã sớm có sự đẩy mạnh nhập khẩu, đồng thời chủ động đứng ra thúc đẩy việc mở cửa các cảng biển mới nhằm gia tăng hoạt động giao thương và giảm thiểu rủi ro sau Brexit.

Tuy nhiên, các ngành sản xuất lại không có sự chuẩn bị sớm như vậy. Một thống kê cho thấy 4 trên 5 doanh nghiệp sản xuất chưa sẵn sàng nếu Brexit đi đến không có thoả thuận nào. Thậm chí, 2 trong số đó cho rằng sẽ không có ý định đưa ra kế hoạch dự phòng gì. Toyota và nhiều công ty sản xuất ô tô ngoại có nhà máy tại Anh cảnh báo, Brexit không thoả thuận có thể khiến hoạt động của các doanh nghiệp này bị đình trệ nhiều tháng, do lo ngại cản trở với việc nhập linh kiện từ lục địa.

Các doanh nghiệp lớn nhìn chung được cho là chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, khi có kế hoạch dự phòng cho những trường hợp xấu nhất từ Brexit. Nhưng đối lập với đó hầu hết các doanh nghiệp loại nhỏ lại chưa có sự chuẩn bị nếu không có thoả thuận giữa Anh và EU. Điều này có thể thấy được qua thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ của Anh, khi cứ 7 doanh nghiệp nhỏ chỉ có 1 là có kế hoạch dự phòng đối phó rủi ro. Nhận định được đưa ra là doanh nghiệp dạng này hiện đang thiếu thông tin, do chưa được thuận tiện tiếp cận với các đánh giá cũng như các kế hoạch dự phòng "No deal Brexit" đến từ Chính phủ.

Nhà chức trách Anh dự tính sẽ chi 2 tỷ Bảng dự phòng cho Brexit không thoả thuận. Nhiều doanh nghiệp cũng đã phải tốn kém thêm chi phí cho phòng tránh tác động xấu nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, chuẩn bị hiện không thể kịp được. Mới đây, 5 liên đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Anh cũng đã cùng lên tiếng, kêu gọi Chính phủ Anh bằng mọi cách tránh việc rời Liên minh EU mà không có thoả thuận nào, với mong muốn giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy đến từ kết quả đàm phán.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước