Doanh nghiệp bán lẻ Việt nỗ lực giữ ưu thế trên "sân nhà"

VTV Digital-Thứ ba, ngày 28/02/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự sôi động khi nhiều tên tuổi lớn của ngành bán lẻ nước ngoài công bố tăng vốn đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, riêng bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng trưởng hơn 18%. Gần 54% doanh nghiệp bán lẻ công bố đạt hiệu quả kinh doanh bằng hoặc vượt mức trước dịch. Doanh nghiệp nước ngoài tăng mạnh vốn đầu tư, mở rộng thị trường.

Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có quy mô 142 tỷ USD, trong đó 16% là thương mại điện tử. Quy mô thị trường có khả năng tăng lên 350 tỷ USD, tức tăng tăng gấp gần 2,5 lần vào năm 2025.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực những tháng đầu năm, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang chứng kiến sự sôi động khi hàng loạt tên tuổi lớn của ngành bán lẻ nước ngoài công bố tăng vốn đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối vào Việt Nam.

Nhà đầu tư ngoại tăng vốn đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn luôn đc các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là nhiều tiềm năng và đầy sức hấp dẫn, vì thế mà Central Retail vừa công bố nâng vốn 1,45 tỷ USD (tức là hơn 34 nghìn tỷ đồng) - khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà Central Retail công bố. Mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt tại 57/63 tỉnh thành.

Riêng năm nay, nhà bán lẻ này dành hơn 4.100 tỷ đồng cho thị trường Việt Nam, tập trung phát triển kinh doanh mảng thực phẩm thiết yếu, bình ổn giá; tái cơ cấu các cửa hàng điện máy…

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc điều hành Central Retail Việt Nam, cho biết: "Việt Nam là thị trường ngoài Thái Lan mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn, khoảng 21-22% tổng doanh thu. Riêng năm ngoái, con số này là 25%. Chúng tôi hướng đến tầm nhìn dài hạn khi nói về đầu tư tại Việt Nam bởi tốc độ tăng trưởng GDP nhanh. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Du lịch phục hồi".

Doanh nghiệp bán lẻ Việt nỗ lực giữ ưu thế trên sân nhà - Ảnh 1.

Tập đoàn Aeon Nhật Bản cũng đang đẩy nhanh việc mở các trung tâm thương mại và các cửa hàng tại Việt Nam với mục tiêu đến năm 2025, tăng gần gấp 3 lần số trung tâm thương mại, lên con số 16, tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm.

Ông Tanaka Kosei, Phó Tổng Giám đốc Khối Văn phòng, Aeon Việt Nam, nhận định: "Việt Nam là nước có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đầu tư kinh doanh. Năm nay chúng tôi sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm mua sắm mới trên các tỉnh thành, phát triển bán hàng đa kênh, giữ giá cả và gia tăng hàng Việt trong siêu thị".

Việc mở rộng mạng lưới bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài, theo đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sẽ tác động lớn đến sức mua, đồng thời, thêm cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước khi trên 90% lượng hàng hóa trong kênh siêu thị là hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nói: "Hiện nay trên quầy kệ, tỷ lệ hàng Việt rất cao trong các hệ thống phân phối. Mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu trong hệ thống phân phối này chiếm hơn 90%, giúp doanh nghiệp tạo đầu ra, duy trì doanh thu, sản lượng, tiếp tục đảm bảo năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các kênh bán lẻ nước ngoài còn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt đi các nước. Đây cũng là chiến lược trọng điểm mà Bộ Công Thương thực hiện nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Có thể thấy là là các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản đã và đang tăng mạnh vốn đầu tư vào sân chơi kinh doanh tại Việt Nam? Vậy sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt hiện nay ra sao?

Trên thực tế, doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm ưu thế trên "sân nhà", với khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước. Có thể kể đến các tên tuổi lớn với hàng nghìn điểm bán như WinMart, Co.op Mart, Bách Hoá Xanh…Tuy nhiên, việc các nhà bán lẻ nước ngoài đổ vốn vào thị trường Việt Nam cũng gây sức ép nhất định đến "miếng bánh" thị phần của doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Điều này cũng thôi thúc các doanh nghiệp Việt tìm hướng đi để cạnh tranh.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt nỗ lực giữ ưu thế trên "sân nhà"

Đạt doanh số gần 31 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra; Mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào doanh số…, kết quả kinh doanh năm vừa qua đã giúp Saigon Co.op vươn lên vị trí số 1 về bán lẻ siêu thị. Doanh nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,5% trong năm nay.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh, cho rằng: "Sẽ có những xu hướng nắm bắt để đảm bảo rằng logistics trở thành xương sống trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, tập trung định hướng để phù hợp với xu thế phát triển, trong đó thương maị điện tử sẽ cực trú trọng trong giai đoạn mới này".

Doanh nghiệp bán lẻ Việt nỗ lực giữ ưu thế trên sân nhà - Ảnh 2.

Hình minh họa

Sau tái cấu trúc, WinCommerce của Tập đoàn Masan đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước, hơn 2 triệu khách hàng thân thiết. Doanh nghiệp dự kiến tiếp tục mở hơn 1.000 cửa hàng mới và kỳ vọng tăng 25% doanh thu cấp cửa hàng.

Thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, doanh nghiệp cho biết, năm nay sẽ tập trung vào mô hình cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Vận hành Hệ thống bán lẻ Winmart, Tập đoàn Masan, cho biết: "Cải tổ và áp dụng công nghệ cao vào chuỗi logistics giúp giảm chi phí 13% so với trước. Sớm làm việc với nhà cung cấp để thương lượng, đàm phán khối lượng hàng từ trước, giúp khách hàng tiếp cận hàng hoá giá rẻ và nhiều chương trình khuyến mại suốt cả năm".

Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. Để giữ thị phần, doanh nghiệp Việt đang cạnh tranh công bằng để đưa đến những sản phẩm giá cả phải chăng nhưng chất lượng tốt.

Ông Quách Thế Phong, Giám đốc tư vấn Ipsos Việt Nam, nhận định: "Những nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội bởi sân chơi bán lẻ đang thuộc về mình, hoàn toàn có thể nâng cấp, biến đổi, đưa ra những chiến lược mới, trải nghiệm mới, tăng doanh thu - lợi nhuận và hướng tới những khách hàng lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại… Đây là cơ sở để thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa cùng phát triển.

Dù chưa có con số chính thức, nhưng khảo sát tại nhiều hệ thống bán lẻ, sức mua của người tiêu dùng trong tháng 2 đã tăng đáng kể, về gần bằng mức trước đại dịch. Cùng với việc tăng đầu tư, mở rộng sự hiện diện của các thương hiệu đã khiến thị trường bán lẻ những tháng đầu năm trở nên sôi động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước