Chỉ còn ít ngày tới, Thông tư số 03 về quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công Thương ban hành bắt đầu có hiệu lực. Thông tư này hứa hẹn sẽ đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tới thị trường 10 nước theo Hiệp định. Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức buổi tập huấn về nội dung này cho hàng trăm doanh nghiệp đến từ khu vực phía Bắc.
Hiệp định CPTPP dành một chương cho ngành dệt may và quy định khá khắt khe. Trong khi các Hiệp định khác chỉ cần chứng minh 1 - 2 công đoạn có xuất xứ, thì Hiệp định CPTPP yêu cầu 3 công đoạn của ngành dệt may là sợi, vải và cắt may đều phải có xuất xứ từ 10 nước trong nội khối. Tuy nhiên, vẫn có những quy định linh hoạt khác cho sản phẩm dệt may không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ.
Đối với nguyên phụ liệu khác, nếu không đạt được chứng nhận xuất xứ CPTPP, nhưng có giá trị gia tăng trong nội khối sẽ vẫn được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP có trong sản phẩm. Đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp phải lưu giữ hồ sơ chứng từ để chứng minh xuất xứ.
Đại diện Bộ Công thương cũng nhấn mạnh trong thời gian qua đã có không ít sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam bị các nước khởi xướng điều tra, vì nghi ngờ giải mạo xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế. Do vậy, các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ về quy tắc xuất xứ để tránh trường hợp bị điều tra, làm ảnh hưởng đến cả ngành hàng hóa của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!