Doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất gặp khó vì kiểm dịch mỗi nơi một kiểu

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 28/07/2021 14:29 GMT+7

VTV.vn - Việc kiểm dịch đang gián tiếp gây ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi do chốt kiểm dịch COVID-19 của các địa phương thiếu sự thống nhất, mỗi nơi một kiểu.

Giá bán lợn hơi đang thấp hơn giá thành chăn nuôi

Nếu tháng 5 và những tháng trước đó, giá lợn hơi ở mức trên 70.000 đồng/kg, từ đầu tháng 6 tới nay, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm và giảm mạnh trong những ngày gần đây. Hiện giá lợn hơi đã giảm tới 20.000 đồng/kg.

Cụ thể, dù đã tăng hơn so với 2 ngày qua, nhưng giá lợn hơi tính theo mặt bằng chung ở khu vực phía Bắc hiện đang ở mức 52.000 - 56.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg. Trong khi, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại cơ sở chăn nuôi ở một số vùng miền, giá lợn còn thấp hơn do giãn cách xã hội, lưu thông khó khăn.

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, giá lợn giống mua vào cao (hơn 2 triệu đồng). Thức ăn chăn nuôi chiếm 65%, các chi phí khác chiếm 35%. Giá bán 1 kg lợn hơi phải ở mức 61.000 - 63.000 đồng /kg. Như vậy, với giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh thua lỗ.

Doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất gặp khó vì kiểm dịch mỗi nơi một kiểu - Ảnh 1.

Giá lợn hơi đã giảm mạnh trong những ngày gần đây. (Ảnh: TTXVN)

Tại trang trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã Hoàng Long, Thanh Oai, Hà Nội, tổng đàn lợn ở đây luôn được duy trì 4.000 con, cả lợn nái và lợn thịt. Hợp tác xã thực hiện quy trình chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến.

Đại diện hợp tác xã cho biết, phân phối thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt không qua khâu trung gian, con giống chủ động được, nhưng việc giá lợn giảm mạnh trong những ngày gần đây đã bắt đầu bị ảnh hưởng.

Làm nghề chăn nuôi từ nhiều năm nay, dãy chuồng nhà ông Toan (xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) luôn duy trì hàng trăm con lợn. Chăn nuôi nhỏ nên nguồn giống, thức ăn chăn nuôi ông phải đi mua.

Theo tính toán của ông Toan, hiện giá lợn hơi xuất chuồng đang thấp hơn giá thành chăn nuôi. Mức giá như thế này khiến ông cũng như nhiều hộ gia đình khác gặp nhiều khó khăn sau khi vừa gượng dậy từ đợt thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi.

"Bây giờ 2,8 triệu 1 con giống mà nuôi 6 tháng. Nếu cho ăn cám viên là hết 21 bao. Giờ bán được 1 con lợn 140 kg mà bán giá 50 thì được 7 triệu. Như vậy là lỗ 1 triệu 1 con", ông Toan cho hay.

Với giá lợn giảm như hiện nay, những trang trại lớn chủ động được con giống có thể cầm cự được còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang rơi vào tình cảnh thua lỗ. Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi nông hộ hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 10 triệu hộ. Khi giá lợn giảm sâu, thiệt thòi lớn nhất vẫn là ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi họ hoàn toàn bị động về con giống, thức ăn chăn nuôi và khâu tiêu thụ.

Không chỉ giá thức ăn lại tăng cao, người chăn nuôi còn gặp khó khi chậm tiêu thụ sản phẩm do việc vận chuyển bị ùn ứ tại các chốt kiểm dịch COVID-19 ở rất nhiều khu dân cư, tỉnh lộ, quốc lộ.

Hàng loạt trại nuôi gặp khó do kiểm dịch

Ngay cả khi đã có văn bản hướng dẫn của Chính phủ về tạo luồng xanh cho các xe chở hàng hóa thiết yếu qua chốt kiểm dịch, thực tế vẫn còn vướng mắc. Xe có hay chưa có giấy luồng xanh, xe chở vật liệu, hay vật nuôi, con giống… đều phải xếp cùng một hàng. Tác hại dây chuyền rõ nhất tại các vùng chăn nuôi trọng điểm. Đơn cử tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ, bình thường tiêu tốn 200 tấn thức ăn 1 ngày và luôn phải dự trữ hàng trăm tấn tại các đại lý, mấy ngày qua, thức ăn chăn nuôi đang thiếu trầm trọng và khó tiêu thụ sản phẩm.

Không liên tục xe ra vào và không đầy ắp trên 100 tấn cám như vài ngày trước đây, kho cám chuyên cung cấp thức ăn cho trên 60.000 gia cầm của hàng chục trại nuôi nhà anh Đạo (chủ trang trại gà xã Lệ Mỹ, Phù Ninh, Phú Thọ) nay chỉ còn vài tạ cám. Anh đã phải tốn thêm chi phí để vay rồi chuyển 5 - 10 tạ cám từ trại còn nhiều sang trại hết cám. Vài ngày nữa, anh Đạo chưa biết vay đâu mỗi ngày 30 - 40 tấn cám cho các trại như hợp đồng đã ký.

Doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất gặp khó vì kiểm dịch mỗi nơi một kiểu - Ảnh 2.

Kho cám chuyên cung cấp thức ăn cho trên 60.000 gia cầm của hàng chục trại nuôi nhà anh Đạo nay chỉ còn vài tạ cám.

Kho cám thành chỗ tá túc cho xe chở cám, vì xe này không qua được chốt kiểm dịch của Hà Nội, chưa trở lại được nhà máy cám ở Hưng Yên. Lái xe có giấy xét nghiệm COVID-19 nhưng không được chốt chấp nhận. Anh Ngọc (lái xe, xã Thanh Long, Yên Mỹ, Hưng Yên) đã đăng ký Giấy vận tải Luồng xanh trên mạng nhưng mãi chưa đăng nhập được.

Trại gà giống Minh Đạt (Phù Ninh, Phú Thọ) đang rất lo vì kho chỉ còn 5 tấn cám, không thể đủ cho mấy chục nghìn con gà ăn trong 3 ngày nữa. Hiện chưa nhà máy cám nào cam kết chuyển cám về. Đàn gà đang giảm lớn, giảm đẻ trứng vì lượng thức ăn bị giảm. Đây là tình cảnh chung của tất cả cơ sở chăn nuôi tại huyện Phù Ninh, với nhu cầu 200 tấn thức ăn 1 ngày cho vật nuôi.

Gà 1 ngày tuổi phải xuất đi, tiêm vaccine, hộp chống nóng, chống ngạt cho gà, nhưng nếu phải để trên xe tải, đậu lâu tại chốt kiểm dịch, gà con, cũng như các loại vật nuôi, đều bị giảm chất lượng.

Đề xuất kiểm dịch không ảnh hưởng sản xuất

Các chốt kiểm dịch COVID-19 của các địa phương đang thiếu sự thống nhất. Nơi chỉ yêu cầu lái xe qua chốt có kết quả test nhanh âm tính, nơi cần giấy xét nghiệm PCR âm tính, còn nơi đòi hỏi xe vận tải phải có thẻ luồng xanh.

Nhiều chủ xe vận tải phản ánh đăng ký luồng xanh trên mạng rất lâu mới thành công. Khi thành công, lái xe thường phải chờ cấp tem nhận diện 1 - 2 ngày. Có xe chờ qua chốt, đến được chỗ nhận hàng, giao hàng xong thì phiếu xét nghiệm quá hạn 3 ngày. Có chốt cho xe con giống đi qua, có chốt bắt quay đầu vì con giống không phải là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống.

Nếu như vậy, việc kiểm dịch có thể gián tiếp gây đình trệ sản xuất, cần các quy định ưu tiên qua chốt cho các sản phẩm phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản, hay tạo đường ưu tiên riêng cho các phương tiện đã có tem luồng xanh.

"Kiểm soát dịch COVID-19 tốt, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông, thứ nhất là thức ăn chăn nuôi, thứ hai là con giống. Trong bối cảnh chưa cấp được những xe luồng xanh, thì chốt kiểm tra cần cho người ta trung chuyển từ xe này sang xe kia để tiêu thụ kịp thời. Các sở ban, ngành, thành phố phải làm sao để kịp thời cấp giấy phép cho xe để hoạt động theo luồng xanh, tạo luồng ưu tiên cho vận chuyển những sản phẩm này", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Văn Trọng, nhận định.

Giá thức ăn tăng 'chóng mặt', người chăn nuôi 'treo chuồng' Giá thức ăn tăng "chóng mặt", người chăn nuôi "treo chuồng"

VTV.vn - Giá thức ăn chăn nuôi chuẩn bị đợt tăng lần thứ 6 trong nửa năm, trong khi giá thịt lợn hơi về ngưỡng thấp nhất trong 2 năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước