Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế thời điểm cuối năm 2021 đã đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng tới 15,73% so với cuối năm 2020. Đáng chú ý, tiền gửi của doanh nghiệp đã bất ngờ tăng cao hơn lượng tiền gửi của dân cư.
Sau ảnh hưởng dịch bệnh, đại diện một hệ thống nhà hàng cho biết, họ có tâm lý tích lũy, dành vốn để tái đầu tư kinh doanh, mở rộng thương hiệu khi tình hình dịch bệnh ổn định.
"Với năm vừa qua và đầu năm nay, chúng tôi đã tích lũy và gửi tiết kiệm. Hiện tại, chúng tôi gửi tiết kiệm ngân hàng tăng hơn 10 - 15% so với trước đây", bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Công ty CP TukTuk Thai Bistro, cho hay.
Theo các chuyên gia, năm 2022, lượng tiền gửi vào ngân hàng của cả tổ chức kinh tế và dân cư dồi dào sẽ làm tăng tính thanh khoản của hệ thống tín dụng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Còn Công ty chứng khoán DNSE đang gửi tiền tại hệ thống ngân hàng khoảng 1.200 tỷ đồng, lựa chọn đa dạng kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm.
"Chúng tôi tăng lên tốt hơn vì năm vừa qua tăng vốn từ 160 tỷ lên 1.000 tỷ. Khoản tăng vốn đó chưa dùng, nên chúng tôi gửi ngân hàng để đảm bảo khoản thanh toán của chúng tôi", ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Công ty chứng khoán DNSE, chia sẻ.
Đại diện một ngân hàng cho biết, cuối năm 2021, lượng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp chiếm trên 51% tổng huy động của ngân hàng. Tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp thường dưới dạng tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn. Do đó, tỷ trọng lượng tiền gửi này tăng, ngân hàng sẽ có chi phí vốn thấp hơn.
"Năm ngoái tăng 15%, năm nay chúng tôi dự tính khoảng 9 - 10%, đó là mức tăng thông thường như trước đại dịch. Năm nay dự báo kinh tế phục hồi tốt hơn, nên doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Họ sẽ vay tiền nhiều hơn. Họ có lượng tiền mặt vừa phải để đảm bảo thanh khoản, nhưng cũng vẫn đảm bảo có tiền đưa vào sản xuất kinh doanh", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng, ngân hàng BIDV, nhận định.
Cũng theo các chuyên gia, năm 2022, lượng tiền gửi vào ngân hàng của cả tổ chức kinh tế và dân cư dồi dào sẽ làm tăng tính thanh khoản của hệ thống tín dụng, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!