Trong bản danh sách các hộ chăn nuôi lợn mà Công ty Lebio công bố giải cứu, thứ tự số 15 là gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, ở Phù Ninh, Phú Thọ với 600 con lợn thịt. Tuy nhiên, tìm đến nhà ông Phúc, thực tế lại hoàn toàn khác. Hiện trong chuồng nhà ông chỉ toàn lợn nái và lợn con, chứ chẳng hề có một con lợn thịt nào. Chính ông Phúc cũng ngỡ ngàng không hiểu vì sao gia đình mình lại có tên trong danh sách được giải cứu của công ty Lebio.
Bất ngờ hơn là trường hợp ở số thứ tự 11 trong danh sách, ông Chu Văn Cử, tại Diễn Châu, Nghệ An với 2.000 con lợn. Chính đại diện Chi cục thú y tỉnh Nghệ An khẳng định, không hề có hộ chăn nuôi nào trên địa bàn huyện Diễn Châu nuôi số lượng lớn như Lebio công bố.
Hai trường hợp trên không phải là hy hữu. Bởi sau khi phóng viên VTV xác minh, những cái tên có số lượng lớn được nêu trong danh sách thực tế chỉ nuôi khoảng 1/10 so với con số công ty công bố.
Trước tình trạng doanh nghiệp lập một danh sách giải cứu lợn không hoàn toàn như thực tế, đại diện Chi cục thú y Hà Nội cho biết, năng lực giết mổ của công ty Lebio rất nhỏ. Mỗi ngày chỉ từ 3 đến 5 con, nên việc doanh nghiệp này tuyên bố giải cứu 40.000 con lợn cho bà con là điều nên đặt dấu hỏi.
19 hộ chăn nuôi trong danh sách mà công ty đưa ra này, phóng viên VTV đã tìm hiểu thì phần lớn trong số những hộ hàng nghìn con hoặc số lượng thấp hơn nhiều so với con số trên bản danh sách. Hoặc tên chủ hộ thậm chí còn không có.
Lợi dụng chủ trương Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi toàn dân chung tay tiêu thụ thịt lợn giải cứu cho ngành chăn nuôi, công ty Lebio đã đưa ra cam kết thu mua số lượng lợn rất lớn lên tới 40.000 con. Kèm với đó là danh sách các hộ được giải cứu lại khác biệt so với thực tế. Một câu hỏi đặt ra là liệu công ty Lebio có mục đích gì trong việc này hay không?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!