Mong chờ gói hỗ trợ 2%…
Các doanh nghiệp ngành du lịch tại TP Hồ Chí Minh kêu khó vì không tiếp cận được vốn vay ưu đãi lãi suất 2%.
Tại Hội nghị kết nối các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 18/8, bà Phạm Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt chia sẻ: "Dòng tiền hiện đang rất tốt nhưng chúng tôi không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Hai năm qua, tôi phải thế chấp tài sản cá nhân, vay gói cá nhân để gồng gánh cho doanh nghiệp".
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khoa Luân, Tổng giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam cho hay: "Chúng tôi đang có chiến lược phát triển hệ thống phương tiện vào những tháng cuối năm, nhu cầu cần tối thiểu là 30 đến 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng hết room tín dụng, vay với lãi suất cao, những điều kiện ràng buộc quá khó khăn".
Theo ông Luân, gói hỗ trợ 2% của chính phủ rất ý nghĩa, tuy nhiên để tiếp cận còn quá khó khăn vì doanh nghiệp phải chứng minh lãi suất trong 3 năm. Qua 2 năm các doanh nghiệp bị tê liệt, làm sao chứng minh được lãi suất. "Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Sở ban ngành nên có chính sách thoáng hơn, đảm bảo rằng doanh nghiệp hoạt động, chắc chắn vay đúng mục đích, đúng nội dung", ông Luân nêu ý kiến.
Tham dự sự kiện với mục đích tìm hiểu về vay vốn, đặc biệt là gói hỗ trợ 2% lãi suất, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, đại diện công ty du lịch Happy Travel, với mức hỗ trợ 2% doanh nghiệp vẫn thấy khó khăn khi mức lãi suất vẫn cao so với khả năng phục hồi sau dịch. Việc kiểm tra báo cáo tài chính, năng lực, tài sản đảm bảo… sau dịch đối với doanh nghiệp đang là trở ngại để có thể tiếp cận nguồn vốn cho vay.
"Hiện tại công ty không còn gì làm tài sản đảm bảo như hoạt động sản xuất, nhà máy, sản phẩm… để tiếp cận vốn vay doanh nghiệp phải thế chấp xe, nhà cửa để có nguồn vốn duy trì cho các hoạt động cuối năm", bà Nga nói.
Doanh nghiệp muốn vay được vốn đã chật vật, các công ty đủ điều kiện cũng không thoát khó. Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt chia sẻ, chúng tôi chuẩn bị từ xa các thủ tục, phương án sử dụng vốn, chứng minh dòng tiền, báo cáo tài chính rõ ràng, xác nhận nộp thuế. Việc vay vốn từ room tín dụng rất tốt, đủ để đáp ứng cho quá trình phục hồi ngay lập tức, thậm chí doanh thu có thể tăng lên gấp 3 lần. Tuy nhiên từ cuối tháng 6, các ngân hàng gặp vấn đề về tiến độ giải ngân. Điều này làm chậm nhịp, doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng mới, tăng dự trữ tiền mặt, chi phí đẩy lên cao. Tình trạng xảy ra thời điểm du lịch vào mùa cao điểm nên gặp nhiều khó khăn.
Ngân hàng nói gì?
Theo các ngân hàng, tài sản thế chấp, năng lực tài chính sau dịch là một trong nhiều trở ngại khiến doanh nghiệp lữ hành khó tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Theo các Ngân hàng Thương mại, dòng tiền ngành du lịch hiện nay đi vào và ra nhanh chóng với các chi phí thanh toán như book tour, đặt phòng, trả tiền khách sạn, đặt vé máy bay… nên chưa thật sự hấp dẫn ngành ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Hoàng An, Giám đốc chi nhánh ngân hàng Vietbank Huỳnh Tấn Phát, (quận 7, TP Hồ Chí Minh) hiện đang xây dựng cơ chế theo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, đó là gói hỗ trợ các công ty du lịch nên việc hỗ trợ 2% lãi suất chưa biết có đáp ứng được hết nhu cầu của các doanh nghiệp lữ hành hay không. Ngân hàng sẽ có chỉ tiêu và đưa ra hạn mức tín dụng khoảng 100-200 tỉ đồng, sau đó sẽ mở rộng thêm nếu các công ty du lịch đáp ứng được điều kiện.
Đại diện một ngân hàng khách cho biết, nhóm ngành du lịch là một trong những nhóm ngành ưu tiên để có thể hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nay các room tín dụng đang gần hết hạn mức, ngân hàng có những giải pháp khác như bảo lãnh doanh nghiệp nếu không cho vay được. Tuy nhiên doanh nghiệp du lịch phải có bảng cân đối kế toán, tài sản và nguồn vốn ngắn hạn, dài hạn, vốn chủ sở hữu thì ngân hàng sẽ phân tích cho ra nhu cầu vốn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiếp cận gói hỗ trợ 2%. Về phía ngân hàng cần chuẩn bị tốt tất cả các yếu tố, triển khai cơ chế chính sách, hướng dẫn ban hành quy trình nghiệp vụ đến quản lí phần mềm. Đồng thời phân loại dư nợ của nhóm ngành được hỗ trợ. Đối với những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận cơ chế chính sách của Trung ương, Chính phủ để nhanh chóng phục hồi và phát triển, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!