Doanh nghiệp EU: Vẫn tự tin mở rộng sản xuất sau biến cố

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 11/10/2024 10:10 GMT+7

VTV.vn - Cuộc khảo sát thực hiện sau khi cơn bão số 3 xảy ra cho thấy, các doanh nghiệp EU vẫn tự tin mở rộng sản xuất - kinh doanh vì Việt Nam rất nhiều tiềm năng.

Kiên cường thích ứng sau bão

Cuộc khảo sát doanh nghiệp của EuroCham, được thực hiện từ ngày 12/9 đến 25/9, sau khi cơn bão số 3 xảy ra.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 3/2024 được khảo sát từ 1.400 thành viên Hiệp hội. Theo đó, chỉ số BCI đã tăng đáng kể, từ 45,1 trong quý 3/2023 lên 52 điểm tại quý 3/2024. Con số này đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trong một năm đầy biến động trước các yếu tố ngoại cảnh, nhất là hậu quả của bão số 3 (bão Yagi).

Theo đó, khảo sát của EuroCham cho thấy, sau khi cơn bão số 3 xảy ra, gần một nửa doanh nghiệp được hỏi (47,4%) tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có sự cải thiện trong quý IV. Triển vọng dài hạn vẫn ở mức cao với 69,3% kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi trong vòng 5 năm tới.

Góc nhìn tích cực này càng được củng cố với 67% doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.

Theo ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham, bất chấp những căng thẳng kinh tế gần đây do bão Yagi gây ra, cả nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đây vẫn kiên cường thích ứng, qua đó nêu bật sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược.

Hiện các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng, trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án số hóa

Doanh nghiệp EU: Vẫn tự tin mở rộng sản xuất sau biến cố - Ảnh 2.

Doanh nghiệp ngoại vẫn sợ quy định "mông lung", giấy phép phức tạp

Hiện nay, chuyển đổi số hướng tới chuyển đổi xanh không còn là mục tiêu riêng của các tập đoàn lớn hay các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, mà đã trở thành mục tiêu chung của mọi doanh nghiệp tại Việt Nam. Và đối với các doanh nghiệp EU - điều này càng được xem trọng hơn.

Điểm đáng chú ý tại báo cáo của EuroCham, sau khi Nghị định mới về cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) được ban hành vào tháng 7/2024, gần 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán sẽ được hưởng lợi từ các dự án năng lượng tái tạo - điều này củng cố cam kết của Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi xanh. 

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy, 1/4 số nhà cung cấp dịch vụ và các công ty có quy mô từ 100 nhân viên trở lên dự báo sẽ hưởng lợi ở mức độ vừa phải hoặc đáng kể từ cơ chế này. Có  47,4% các doanh nghiệp tự tin rằng, họ có thể hoàn toàn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp EU, chuyển đổi số được xác định là một lĩnh vực cần cải thiện, đặc biệt trong việc giảm bớt khó khăn về nguồn nhân lực và tinh giản các thủ tục hành chính. Khảo sát BCI đã tiết lộ tỷ lệ áp dụng AI/ML (trí tuệ nhân tạo/học máy) ở mức trung bình, với 46,1% doanh nghiệp cho biết đã tích hợp công nghệ này vào hoạt động. Hiện hầu hết các dự án triển khai vẫn đang ở giai đoạn đầu, cho thấy tiềm năng lớn trong việc đầu tư vào các dự án số hóa.

Khảo sát của EuroCham cũng cho thấy có 3 trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép. Nội dung này khá tương tự như các quý trước.

Trong đó, một số doanh nghiệp nêu lên những thách thức chủ yếu đến từ quy trình xin visa và giấy phép lao động phức tạp...khiến nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại trong việc gia nhập thị trường lao động Việt Nam./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước