Doanh nghiệp gặp khó với một số quy định của Luật Doanh nghiệp

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 21/03/2019 10:59 GMT+7

VTV.vn - Với một số quy định cụ thể của Luật Doanh nghiệp khi áp dụng trong thực tiễn, nhiều doanh nghiệp đang bị "làm khó".

Sau hơn 1 tuần nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ một doanh nghiệp có trụ sở ở huyện Đông Anh đã phải quay lại nơi đăng ký để hoàn tất thủ tục thông báo thông tin tài khoản ngân hàng. "Tôi mất một buổi sáng, đi hơn 30km chỉ để nộp một thông tin là số tài khoản ngân hàng" - chủ doanh nghiệp cho biết. 

Trước đó, doanh nghiệp cũng đã thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng qua mạng điện tử trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Nhưng theo yêu cầu, trong vòng 30 ngày sau khi hoàn tất, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ gốc cho Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận được giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Trình tự rắc rối tương tự cũng được quy định cho việc nộp tờ khai lệ phí môn bài.

Doanh nghiệp nói vui: "Có khi tắc đường cũng vì các quy định bắt doanh nghiệp phải đi đi, lại lại. Các thủ tục doanh nghiệp sẽ phải làm, khoản thu Nhà nước sẽ thu được, doanh nghiệp không xin bỏ, nhưng có cách nào để không phát sinh thêm thời gian cho doanh nghiệp không?". Liên quan đến vấn đề này TS Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương có bài phỏng vấn với Sài gòn Giải phóng.

Ông cho biết, cộng trừ thủ tục các doanh nghiệp phải hoàn tất để có thể chính thức bắt tay vào hoạt động, tổng thời gian doanh nghiệp đang phải mất là 20 ngày. Các thủ tục và thời gian này là lý do Chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam xếp hạng thứ 106 theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB). 

Thời gian chờ đợi mất thêm một vài ngày, nhiều người có thể nghĩ "không vấn đề gì lớn", nhưng chậm đi vào kinh doanh ngày nào là chi phí lãi vay không hề nhỏ. Nhìn vào quy trình hiện nay, còn những khâu có thể tiếp tục đơn giản hóa, bởi vì nó gây phiền phức, tốn kém mà lại không có ý nghĩa nhiều về mặt quản lý Nhà nước. Chẳng hạn như nộp thuế môn bài, dù phải nộp nhưng không nhất thiết phải tách thành thủ tục riêng, tại sao không gộp vào để nộp luôn khi bắt đầu phát sinh nghĩa vụ thuế đầu tiên của doanh nghiệp?

Nếu cắt giảm được một nửa, chi phí xã hội sẽ giảm đi đáng kể. Chỉ số này trong Báo cáo Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ được cải thiện hàng chục bậc. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới đây đã được Chính phủ đề nghị hoãn trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới để tiếp tục sửa đổi toàn diện hơn. Rất nhiều ý kiến khác cũng đồng thuận việc hoãn này.

Luật sư Trương Thanh Đức đưa ý kiến trên tờ Thế giới tiếp thị rằng việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu sửa sai. Nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Vì vậy, Ban soạn thảo cần bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm. Còn Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng vừa có văn bản góp ý về dự thảo này.

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, những tác động mạnh của việc sửa đổi lần này là phải mở ra khuôn khổ pháp lý theo thông lệ thế giới tiên tiến để tăng cường thu hút vốn và công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài, phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước, kích thích thị trường chứng khoán phát triển. Với cuộc cách mạng trong sửa đổi Luật Doanh nghiệp như vậy, trong vòng 15 năm tới, ngân sách Nhà nước sẽ thu được khoảng 100 tỷ USD - con số có thể giải quyết được vấn đề nợ quốc gia hay đầu tư cho các công trình trọng điểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước