Việt Nam và Hoa kỳ đã chính thức nâng tầm quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy các hoạt động thương mại, mở rộng xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là không ít thách thức đặt ra khi yêu cầu của thị trường này phải là sản phẩm xanh, bền vững.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cơ hội vào thị trường Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp dệt may là rất lớn. Tuy nhiên, để vào được thị trường này, các doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, trong đó phải đáp ứng được xanh hóa, tiết kiệm năng lượng.
"Họ đòi chúng ta phải phát triển bền vững và xanh hóa, nên hầu hết các doanh nghiệp làm hàng đi thị trường Mỹ phải đầu tư đạt các chuẩn mực của hệ thống đánh giá, của các khách hàng, như vậy chúng ta mới có đơn hàng ổn định", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết.
"Việt Nam là một nền kinh tế xuất khẩu và Hoa Kỳ là đối tác rất quan trọng của Việt Nam. Chúng tôi mua nhiều hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp may mặc, nhưng chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sản phẩm xanh, sạch". ông Greg Testerman, Chủ tịch AmCham Việt Nam.
Các doanh nghiệp phải đáp ứng xu hướng xanh mà các quốc gia như Hoa Kỳ rất coi trọng. (Ảnh: VOV)
Tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023, các chuyên gia nhận định thị trường Hoa Kỳ với trên 330 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Tuy nhiên trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiêu chuẩn "sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững". Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó.
"Tất nhiên là Việt Nam có lộ trình từ năm 2050 phải hoán đổi dần dần bỏ bớt than đá, bỏ bớt dầu khí đi. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải có những chương trình, định hướng để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải hòa nhập với quy định chung của thế giới", ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, nhận định.
Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới. Do đó, các doanh nghiệp phải đáp ứng xu hướng xanh mà các quốc gia như Hoa Kỳ rất coi trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!