Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội cũng như lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đã được Quốc hội, Chính phủ tập trung cao độ để tiến hành sửa đổi.
Theo chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá 15, sáng 18/1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Tại thời điểm này, hơn bao giờ hết, tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp đều rất mong chờ luật được thông qua để có thể sớm giải quyết các tồn tại, hạn chế, khơi thông các điểm nghẽn khiến hoạt động đầu tư đình trệ suốt thời gian qua.
Bỏ phương pháp thặng dư, định giá đất bằng phương pháp so sánh, có chiết khấu siết trừ; hay 5 năm mới định giá đất 1 lần, hoặc điều chỉnh trong từng năm theo từng hệ số; hay như các quy định về giải phóng mặt bằng… là những vấn đề mà ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng như hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản quan tâm nhất trong Luật Đất đai mới. Bởi đây chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới việc tạo lập hình thành các dự án, cũng như như thúc đẩy tiến độ để các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận đất đai thuận lợi, minh bạch hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: "Nhiều ý kiến nhiều đại biểu tôi thấy rất sắc sảo và cũng có thể nói rằng là đúng suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp mong muốn. Chúng tôi rất mong là cái cuối cùng để Quốc hội quyết định bấm là phục vụ thực tế cuộc sống, hài hòa lợi ích của cả xã hội, của nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp".
Các doanh nghiệp đều rất mong chờ Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Ảnh minh họa.
Thu hồi đất nông nghiệp ngoài việc được bồi thường bằng tiền, bằng đất nông nghiệp cùng loại thì tới đây có thể được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại mỗi địa phương. Những chính sách này cũng tạo kỳ vọng sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi, qua đó đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ của hàng nghìn dự án đang đình trệ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân, những điểm nghẽn đang xảy ra trong quá khứ vừa rồi làm cho hàng ngàn dự án đang phải dừng lại và đang làm kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng đến kinh tế của quốc gia sẽ được tháo gỡ".
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ: "Tôi cũng khá hài lòng với dự thảo luật. Thứ nhất là cơ chế quản lý đất đai đã bỏ những can thiệp mang tính chất hành chính của Nhà nươc, mà sử dụng cơ chế thị trường. Sang năm 2025, khi áp dụng luật rất nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ và đó cũng là tiền đề để vực dậy thị trường bất động sản".
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, tới thời điểm này, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) 2024 đã hoàn thành các điều cần về lập pháp với đầy đủ tính đồng bộ, hiệu quả, tác động tích cực đến các chủ thể trong xã hội. Điều kiện đủ thời gian chín muồi, để có thể ra đời và quan trọng nhất là việc triển khai, áp dụng luật vào thực tế một cách phù hợp, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!