Doanh nghiệp Mỹ thích nghi với chính sách mới

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 07/02/2017 09:18 GMT+7

VTV.vn - Những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp công nghệ cao, ngay cả người nông dân Mỹ cũng chịu tác động.

Những sắc lệnh như rút khỏi TPP, khởi động xây tường biên giới với Mexico hay đe doạ tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ chính quyền ông Donald Trump ở góc độ nào đó được cho là giúp bảo vệ hàng hoá Mỹ trước làn sóng ngoại.

Nhưng với nhiều doanh nghiệp vốn đang tham gia cả hoạt động xuất nhập khẩu, hành động bảo hộ thương mại này lại gây ra rất nhiều khó khăn. Không chỉ các doanh nghiệp công nghệ cao, ngay cả người nông dân Mỹ cũng phải chịu tác động.

Là doanh nghiệp chăn nuôi vịt duy nhất còn trụ lại được ở Long Island, New York, nhưng lần đầu tiên trong đời ông Douglas Corwin, Chủ tịch Công ty Vịt Crescent, thấy công việc chăn nuôi có nhiều trắc trở.

Nhà ông hiện đang thuê 85 nhân công, trong đó gần 70% là người nhập cư. Họ đến từ Mexico, nơi ông Trump muốn xây tường biên giới. Đến từ các nước Hồi giáo, nơi ông vừa ký sắc lệnh cấm đi lại.

"Chúng tôi đang thuê khá nhiều nhân công lao động nhập cư. Nếu hạn chế lao động dạng này, trong khi nhân công tại Mỹ ngày càng khó thuê thì sẽ rất khó cho chúng tôi" - ông Douglas Corwin cho biết.

Lượng vịt thịt cung cấp ra thị trường của trang trại nhà ông Douglas chiếm tới 4% lượng vịt của toàn nước Mỹ. Vì thế, mỗi ngày đàn vịt tiêu thụ hết gần 40 tấn thức ăn.

Ngặt một nỗi, hầu hết số thực ăn đều được nhập về từ Trung Quốc - nơi ông Trump đang dọa đánh thuế 45% lên hàng nhập khẩu.

"Chúng tôi bán được nửa triệu USD tiền lông vũ sang Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc đang cung cấp phần lớn thức ăn chăn nuôi cho chúng tôi. Thương mại rất quan trọng. Ngăn giao thương, khác gì ngăn cản kinh tế phát triển", ông Douglas Corwin chia sẻ.

Theo Ngân hàng Citi, bảo hộ thương mại và nỗi lo về môi trường kinh doanh có thể làm tăng trưởng GDP của Mỹ hụt mất 1% trong năm nay. Nông nghiệp thuộc nhóm bị ảnh hưởng đầu tiên. Chịu thiệt hại sau cùng lại chính là người dân Mỹ khi giá các mặt hàng tăng. Còn với các doanh nghiệp như của ông Douglas, hoặc là thích nghi hoặc phải chuyển đổi.

Ông Douglas cũng ví việc ông thích nghi với các chính sách giống như căn phòng điều hòa. Nó giúp trứng nở chậm hơn khi nhu cầu của thị trường giảm, và nở nhanh hơn khi nhu cầu của thị trường gia tăng. Đó là cách mà các doanh nghiệp ở Mỹ đang chuẩn bị tốt nhất cho những chính sách mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước