Các doanh nghiệp đã bước vào mùa sản xuất của năm mới 2023. Khác với năm trước, chỉ tiêu kinh doanh được chia thành từng chặng nhỏ theo các quý và kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho cả năm sẽ được xây dựng, điều chỉnh lại tùy thuộc kết quả theo từng quý, đặc biệt là 2 quý đầu năm.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp, lương người lao động dự tính tăng khoảng 10% trong năm nay.
Bên cạnh đó, những biến động về cung cầu thị trường, giá nguyên vật liệu, khiến rất nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn; đồng thời kiểm soát chặt chi phí hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Cơ điện lạnh REE, cho biết: "Các doanh nghiệp phải xem lại ngân sách của mình, xem nó hiệu quả chưa, trong đó bao gồm năng suất lao động, kiểm soát chi phí, kiểm soát giá thành. Hơn lúc nào hết đó là vấn đề phải đặt lên hàng đầu. Thứ 2 là phải quan sát biến động thị trường để có những ứng phó kịp thời.
Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, nhận định: "Tình hình kinh tế của thế giới trong 2023 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn trong tâm thế chủ động ứng phó với khó khăn và tiếp tục vượt qua khó khăn ít nhất và hết quý 2 của năm 2023".
Bên cạnh việc khai thác thị trường nội địa, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ hay châu Âu gặp khó, theo các doanh nghiệp, việc thị trường Trung Quốc với sức cầu lớn, mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!