Đây là thông tin rất đáng chú ý của ông Sharath Martin đến từ Hội kế toán công chứng Anh (ACCA).
"Việt Nam đang có đến 68% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có tốc độ tăng trưởng hơn 20%. Đây là con số rất ấn tượng khi con số này khi mà theo thống kê trên phạm vi toàn cầu, chỉ có 39% các SME đạt tốc độ tăng trưởng hơn 20%. Con số này của khu vực ASEAN là 44%", ông Sharath Martin cho biết tại Hội thảo Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: "Nắm bắt thời cơ phát triển" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Ấn tượng hơn theo ông Sharath Martin, có tới 20% các SME Việt Nam trong 3 năm qua sở hữu tốc độ tăng trưởng trên 50%.
Ông Sharath Martin đến từ Hội kế toán công chứng Anh (ACCA)
Tuy nhiên theo ông Sharath Martin, các SME Việt Nam đang phải đối diện với 3 rào cản lớn cho sự tăng trưởng: Nhân sự, thuế và tiếp cận nguồn vốn.
Nói thêm về các SME tại Việt Nam, ông Tăng Ngọc Trường An, - Chủ tịch của Ibosses Việt Nam cho biết so với các quốc gia đã và đang làm khởi nghiệp công nghệ cao và coi đây là mũi nhọn cho sự phát triển như Isarel, Hoa Kỳ, Trung Quốc, hay Singapore thì Việt Nam chúng ta mới chỉ trong quá trình sơ khai.
"Theo báo cáo về chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2017/2018 của VCCI, Việt Nam đang dối diện với 2 vấn đề cần giải quyết tài chính và công nghệ", ông Tăng Ngọc Trường An nhấn mạnh.
Ông Tăng Ngọc Trường An, - Chủ tịch của Ibosses Việt Nam
Báo cáo BXH điều kiện kinh doanh của 54 quốc gia, Việt Nam đang dẫn đầu ở các chỉ số: Năng động ở thị trường nội địa (5/54), văn hóa chuẩn mực xã hội (6/54), cơ sở hạ tầng 10/54… Song Việt Nam đang tỏ ra lép vế ở các chỉ số: Tài chính (39/54), giáo dục kinh doanh sau phổ thông (40/54), chuyển giao công nghệ (34/54)...
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Việt Nam cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng và bài học thành công của các nước trong việc hỗ trợ SME.
"Cuộc CMCN 4.0 tạo ra cơ hội hiếm có để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế", bà Bùi Thu Thủy - Phó cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp nhấn mạnh tại Hội thảo.
Bà Thảo đã dẫn ra nhiều ví dụ về các bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các startup và SME: Singapore xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (Chương trình vườn ươm Block 71, Trung tâm khởi nghiệp Đại học quốc gia NUS); Thành phố truyền thông số tại Seoul, Hàn Quốc…
Hội thảo Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: "Nắm bắt thời cơ phát triển" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng nay (5/4)
Tại Việt Nam, Chính phủ xác định Việt Nam cần có chiến lược và những hành động cụ thể để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng CMCN 4.0 và tiếp thu bài học thành công của các quốc gia trên thế giới (như Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với CMCN 4.0, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia... giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng).
Đây được xem là hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi, có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
NIC sẽ ưu tiên 5 lĩnh vực: nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường.
Lễ ra mắt Dự án thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo
Nhằm hỗ trợ các SME trong tương lai, tại hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và công ty Ibosses Việt Nam đã cùng nhau ký kết Dự án thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho SME khởi nghiệp sáng tạo.
Đây được xem là cơ sở cho những hy vọng về sự phát triển, vươn ra biển lớn của các SME Việt Nam trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!