Theo tờ Thời báo Phố Wall, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ như các hãng chip Qualcomm và Microchip, hay các tập đoàn công nghiệp Caterpillar và DuPont đã báo cáo kết quả kinh doanh tương đối yếu tại thị trường Trung Quốc trong giai đoạn đầu năm, bất chấp những kỳ vọng lớn ban đầu.
"Kỳ vọng chung của nhiều doanh nghiệp là sau quá trình tái mở cửa, thị trường Trung Quốc sẽ dần phục hồi và thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên cho đến giờ, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy những tín hiệu như vậy", ông Christian Amon, Giám đốc điều hành tập đoàn Qualcomm cho biết.
Nhu cầu yếu với ngành sản xuất, biến động lĩnh vực bất động sản, chính sách cắt giảm trợ cấp ô tô điện hay sức chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn dưới kỳ vọng được xem là những thách thức chính với các doanh nghiệp quốc tế tại thị trường tỷ dân hiện nay. Nhiều ngân hàng và tổ chức toàn cầu cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay, sau những số liệu kinh tế kém lạc quan.
Theo ông Dewardric McNeal, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Longview Global, các số liệu kinh tế gần đây về cơ bản đều ủng hộ nhận định rằng đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, không chỉ bởi thị trường quốc tế suy yếu ảnh hưởng xuất khẩu, mà còn cả những yếu tố khác như thu nhập hộ gia đình tiêu dùng chững lại
Không phải doanh nghiệp nào cũng tỏ ra lo lắng với đà phục hồi kinh tế Trung Quốc. Một số tên tuổi như hãng đồ xa xỉ LVMH đã ghi nhận doanh thu đi lên mạnh mẽ từ sau khi tái mở cửa. Trong khi CEO Tesla Elon Musk cũng đã củng cố lòng tin với thị trường Trung Quốc trong chuyến thăm gần đây.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, xu thế chậm lại của nền kinh tế số 2 thế giới sẽ có thể kéo dài trong cả năm, và sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp điều chỉnh dự báo kinh doanh để thích ứng với thực tế hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!