Doanh nghiệp tận tụy với đơn hàng nhỏ lẻ, giữ chân người lao động

Đ.Huyền - Hân Ly-Thứ tư, ngày 21/12/2022 08:49 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng nhỏ lẻ, giảm giờ làm, bồi dưỡng chuyên môn… để người lao động vẫn có việc làm, lương thưởng và chờ đón đầu thị trường 2023.


Vượt qua khó khăn chung

Trái ngược với tình hình sôi động tuyển dụng lao động dịp cuối năm như mọi năm, năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất đưa ra thông báo cắt giảm hàng ngàn lao động do thiếu đơn hàng.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thống kê đến cuối tháng 11 đã cho thấy có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Các ngành có số lao động bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, gia dày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí,…

Doanh nghiệp tận tụy với đơn hàng nhỏ lẻ, giữ chân người lao động - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày chuyển hướng tìm kiếm đơn hàng nhỏ lẻ để giữ chân người lao động qua năm mới.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn có những doanh nghiệp nỗ lực xoay sở bằng nhiều biện pháp như tạm dừng tuyển dụng lao động mới, không tăng ca, giảm giờ làm thậm chí làm việc luân phiên để không xảy ra tình trạng sa thải lao động.

Theo ông Trương Văn Mạnh Lâm, Tổng giám đốc Công ty Tân Việt Sin (TP Hồ Chí Minh), do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng nên doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm đối tác trong nước và nhận các đơn hàng nhỏ lẻ để đảm bảo sản xuất, việc làm cho người lao động dịp cuối năm.

"Chúng tôi nhận thấy dấu hiệu suy giảm đơn hàng từ tháng 9-10 năm nay. Ngay lúc đó doanh nghiệp chuyển hóa phương thức hoạt động, chúng tôi không trông chờ vào những đơn hàng lớn mà thay vào đó là tận tụy hơn những đơn hàng nhỏ, từ đó cũng đã có những tín hiệu khả quan", ông Lâm cho hay.  

Trong khi đó, thị trường Mỹ - châu Âu đang chịu lạm phát tăng cao, một số doanh nghiệp cũng nhận thức được rằng, người lao động là "huyết mạch" nên thay vì cắt giảm lao động, các doanh nghiệp đã tìm nhiều biện pháp để duy trì việc làm.

Ông Nguyễn Thuận Thành, Giám đốc nhân sự Công ty NashTech Việt Nam nhận định, năm 2022 là một năm có nhiều biến động trái chiều. Đầu năm doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận với 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, các khách hàng trở nên thận trọng trong đầu tư công nghệ, vì vậy kết quả kinh doanh có chững lại nhưng vẫn phát triển 30% so với năm ngoái.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group nhận thấy may mắn khi vẫn duy trì được lực lượng lao động bình thường do trình độ lao động khác biệt và chưa yêu cầu chuyên môn trong sản xuất, xuất khẩu rau, củ, quả tươi… nên doanh nghiệp tiếp tục duy trì lao động để khi thị trường ổn định nhằm nắm bắt được cơ hội tốt nhất. 

Người lao động sẽ có Tết

Có thế thấy, dù khó khăn nhưng kỳ vọng tình hình kinh tế năm 2023 sẽ khởi sắc, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay trở thưởng tết nhằm giúp người lao động an tâm làm việc trong những ngày cuối năm và giữ chân lao động sau tết.

"Gần 2000 nhân viên làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội nhưng về cơ bản, trong năm nay chúng tôi vẫn đảm bảo tốt phúc lợi cho nhân viên, nghỉ Tết vẫn sẽ được hưởng lương thưởng đầy đủ, không có gì ảnh hưởng", ông Thành chia sẻ.

Doanh nghiệp tận tụy với đơn hàng nhỏ lẻ, giữ chân người lao động - Ảnh 2.

Người lao động vui mừng khi có thông báo thưởng Tết.

Tương tự doanh nghiệp trên, là một trong những doanh nghiệp vẫn giữ lại được 100% lao động, ông Lâm cho hay: "Lương thưởng cuối năm và dịp Tết này không chỉ là niềm vui cho người lao động mà cũng là niềm vui của tôi khi tất cả mọi người đều có Tết". 

Về phía người lao động, tình trạng giảm mất việc do giảm đơn hàng khiến nhiều người lo lắng cho kinh tế gia đình và chi tiêu cuối năm. Thế nhưng, còn việc là đủ vui là chia sẻ của nhiều công nhân dù phải giảm giờ làm hay làm việc luân phiên. Hiểu được tâm lý đó, một số doanh nghiệp cũng công bố kế hoạch thưởng Tết sớm để người lao động an tâm làm việc trong những ngày cận tết và đây là cách giữ chân lao động trong dịp giáp Tết và sau Tết.

Anh Đỗ Chí Tài ngụ tại quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết: "trước tình hình công nhân bị sa thải ở nhiều doanh nghiệp, các anh em công nhân rất lo lắng và bất an. Thế nhưng, mới đây ban giám đốc của công ty và các cấp quản lý trao đổi, cam kết công ăn việc làm vẫn được ổn định nên tôi thấy an tâm phần nào".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước