Từ đầu tháng 4, anh Bình (nhân viên giao hàng) thường nhờ đến yên xe máy để làm nơi trung gian giao hàng cho khách mua trực tuyến với nguyên tắc duy trì khoảng cách tối thiểu 2m, hạn chế tối đa sự tiếp xúc gần giữa người với người.
Việc giao hàng có thêm phần phức tạp do nhiều công đoạn phải nhớ nhưng đây là quy chuẩn công ty anh đặt ra để đảm bảo quy định về giãn cách xã hội.
Anh Bình cho hay: "Thời gian ban đầu mọi người cũng cảm thấy hơi thừa nhưng tôi cố gắng giải thích cho khách dần dần mọi người cũng hợp tác".
Nhiều quy trình, trang thiết bị phòng dịch cũng được các doanh nghiệp thương mại điện tử đầu tư thêm cho giai đoạn này. Tại 5 trung tâm xử lý đơn hàng và trung tâm chia chọn hàng hóa của Lazada, các trạm khử khuẩn được dựng lên để đảm bảo lượng hàng các nhà bán hàng đem đến được khử trùng. Hàng nghìn nhân viên ra vào cũng bắt buộc phải đi qua để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Còn ở đầu ra, 20 tủ khóa thông minh cũng được vận hành để giúp người dùng có thêm cách thức để lựa chọn lấy hàng nhưng không cần tiếp xúc với người giao hàng. Theo đại diện Lazada, đây là các bước đầu tư quan trọng để những rào cản tâm lý khi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng thực sự được gỡ bỏ.
Ông Fabian Wandt - Tổng Giám đốc Lazada E-logistics cho hay: "Đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội như hiện nay, việc thực hiện các giải pháp giao hàng không tiếp xúc trực tiếp là vấn đề rất quan trọng. Mặc dù chúng tôi đã mở rộng nguồn cung hàng hóa với nhiều chương trình khuyến mãi nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự an tâm khi phải tiếp xúc gần với người giao hàng. Hy vọng giải pháp giao hàng không tiếp xúc sẽ giúp gỡ bỏ nút thắt tâm lý đó, để mọi người thật sự an tâm khi mua sắm tại nhà".
Dịch bệnh COVID-19 đã kéo dài tại Việt Nam hơn 2 tháng nay, một số sàn thương mại điện tử đang ghi nhận mức tăng trưởng về cả số lượng và giá trị giao dịch. Không kể đến các vật dụng y tế phòng dịch, một số nhóm ngành như thực phẩm, đồ gia dụng bảo vệ sức khỏe cũng chứng kiến mức tăng trưởng gấp 2-3 lần so với cuối năm 2019, nhờ chiến dịch kích cầu khuyến mãi của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nếu nhìn dài hạn hơn, dịch COVID-19 nếu kéo dài có thể khiến người dân ngày càng thắt chặt hầu bao và gây thách thức cho việc tiêu thụ các sản phẩm giá trị cao trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp thương mại điện tử nào không sở hữu sẵn các hệ thống kho hàng - giao vận, chuỗi cung ứng logistics... cũng phải đối mặt với nguy cơ bị đứt nguồn hàng trong bối cảnh "ngăn sông cấm chợ" vì dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!