Doanh nghiệp xoay xở để ổn định giá hàng hóa

VTV Digital-Thứ tư, ngày 09/03/2022 16:16 GMT+7

VTV.vn - Xoay xở đủ cách để bình ổn thị trường là một bài toán rất khó với các doanh nghiệp lúc này.

Sức cầu thị trường thấp, giá nhiên liệu cùng các chi phí đầu vào tăng cao đang tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp thực phẩm. Song để bình ổn thị trường và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, trước mắt, các doanh nghiệp chấp nhận "bù lỗ" để giữ nguyên giá bán, chia sẻ với người tiêu dùng. Nhiều biện pháp kìm giá hàng hóa cũng đồng thời được kích hoạt.

Chuyên cung cấp thực phẩm tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đang đứng trước sức ép tăng giá rất lớn, bởi hầu hết chi phí đầu vào đã tăng từ 10-20%. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn nỗ lực giữ giá bình ổn để kéo về số lượng.

"Nguyên liệu chúng tôi chọn lọc kỹ, ký kết với đối tác với số lượng lớn để họ đưa một mức giá tốt nhất. Chất lượng sản phẩm giữ nguyên nhưng điều chỉnh chi phí như bao bì, marketing giảm 50 - 60% so với trước. Cập nhật máy móc để tăng năng suất và giảm giá thành", ông Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh cho hay.

Dù nỗ lực để giữ giá ít nhất là trong tháng 3, nhưng nhiều doanh nghiệp thừa nhận, khó có thể "bù lỗ" mãi trước áp lực đầu vào tăng. Do đó, ngoài việc tiếp tục tối ưu hoạt động sản xuất, cắt giảm khâu dôi dư, doanh nghiệp cũng phải lên lộ trình tăng giá. Tuy nhiên, sẽ phải thực hiện rất thận trọng.

Doanh nghiệp xoay xở để ổn định giá hàng hóa - Ảnh 1.

Sức cầu thị trường thấp, giá nhiên liệu cùng các chi phí đầu vào tăng cao đang tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp thực phẩm. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh cho hay: "Hiện nay chúng tôi đang lựa xem tình hình giá cả thị trường sẽ diễn biến thế nào. Chúng tôi cũng có một lộ trình để tăng giá dần dần, nếu không chúng tôi cũng không thể duy trì được sản xuất".

Nhiều hệ thống siêu thị cho biết đã bắt đầu nhận được đề nghị điều chỉnh giá từ phía các nhà cung cấp. Trước mắt, các siêu thị đã đàm phán với đối tác để kéo dài thời gian trước khi tăng giá, đồng thời tích cực dự trữ nguồn hàng, triển khai nhiều chính sách giá để ổn định thị trường; tăng các chương trình khuyến mãi để kích cầu.

Xoay xở đủ cách để bình ổn thị trường là một bài toán rất khó với các doanh nghiệp thực phẩm lúc này. Các doanh nghiệp kỳ vọng, những chính sách của chính phủ như giảm VAT đến điều hành giá cả sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả để vừa kích thích sức mua, vừa giảm bớt gánh nặng chi phí ở thời điểm khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước