Doanh nhân Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong thời đại mới

Kate Trần (Thực hiện)-Thứ sáu, ngày 04/10/2024 15:06 GMT+7

VTV.vn - Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang dần hồi phục, bứt phá tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp - mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục, nhưng với tinh thần vươn lên, khả năng thích ứng, tìm “cơ” trong “nguy” và sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV Hà Nội nói riêng  sẽ dần hồi phục, bứt phá tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam liên tục lớn mạnh cả về lượng và chất, đóng góp ngày càng lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo ông, trước những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển như thế nào? Với tư cách lãnh đạo Hiệp hội DNNVV Hà Nội, ông đánh giá thế nào về nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội?

Doanh nhân Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong thời đại mới - Ảnh 1.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với xu thế phát triển bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý hiện đại và công nghệ tiên tiến. Sự đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ của mình.

Trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đội ngũ doanh nhân đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn về mặt chiến lược, đổi mới quản lý cũng như đào tạo nhân lực chất lượng cao. Các doanh nhân không chỉ đóng vai trò là người điều hành doanh nghiệp mà còn tham gia sâu hơn vào các hoạt động xã hội, chính trị, góp phần xây dựng xã hội và đất nước.

Với tư cách là lãnh đạo Hiệp hội DNNVV Hà Nội, tôi đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội trong việc vươn lên trước các thách thức. Hà Nội, với vị trí là trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, đã trở thành nơi khởi đầu cho nhiều doanh nghiệp trẻ đầy tiềm năng và sáng tạo. Các doanh nghiệp ở Hà Nội luôn tiên phong trong việc áp dụng các mô hình kinh doanh mới, nâng cao khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.

PV: Trước sự ảnh hưởng từ đại dịch và tác động tiêu cực của khủng hoảng suy giảm kinh tế toàn cầu thời gian qua, ông có nhận định gì về tình hình “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV Hà Nội nói riêng hiện nay? 

Đại dịch đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường bị thu hẹp, và nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, lao động, và nguồn cung nguyên liệu. 

Riêng cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội cũng đối mặt với không ít khó khăn, từ áp lực về vốn, thị trường cho đến năng lực quản trị. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực tìm cách duy trì hoạt động kinh doanh và đổi mới để phát triển. Những sáng kiến từ các doanh nghiệp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm xanh đang là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế Thủ đô.

Nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội cũng được thể hiện rõ nét qua sự kết nối, hợp tác chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Điều đáng mừng là, trong giai đoạn đầy thử thách này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV tại Hà Nội, đã cho thấy sự kiên cường và khả năng thích ứng đáng kể.

PV: Theo ông, cộng đồng doanh nhân đang đối mặt với những cơ hội và thách thức gì? Đâu là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và doanh nhân trong việc duy trì, ổn định và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh mới?

Theo tôi, cơ hội đầu tiên của cộng đồng doanh nhân đến từ sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số, thông qua đó giúp doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh, cải tiến sản phẩm, dịch vụ và mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) và thương mại điện tử để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.

Thứ 2 là chi nhập quốc tế: Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế, mở rộng quy mô và gia tăng giá trị xuất khẩu.

Thứ 3, xu hướng tiêu dùng bền vững: Cộng đồng doanh nghiệp có thể khai thác xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường để phát triển các sản phẩm và dịch vụ bền vững, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu và thu hút khách hàng quốc tế.

Song song với cơ hội, thách thức đối với cộng đồng doanh nhân cũng không ít. Tình hình kinh tế suy giảm, lạm phát và bất ổn chính trị toàn cầu đã tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp phải đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và sức mua trên thị trường giảm sút.

Doanh nhân Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong thời đại mới - Ảnh 2.

Doanh nghiệp tích cực giao thương và xúc tiến thương mại thị trường nội địa

Mặt khác, mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng đầu tư, kiến thức và kỹ năng để thực hiện thành công. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai công nghệ hiện đại do hạn chế về nguồn lực và chuyên môn.

Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là tính bền vững về tài chính và năng lực thích ứng với những biến động từ môi trường kinh doanh. Việc duy trì dòng tiền, cắt giảm chi phí mà vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả cùng với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ cả thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển linh hoạt và dài hạn.

PV: Theo ông, Chính phủ cần có giải pháp gì để tiếp tục tháo gỡ, hỗ trợ cộng đồng doanh nhân phát triển sản xuất - kinh doanh thời gian tới?

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nhân. Đầu tiên là chính sách hỗ trợ tài chính: Chính phủ cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính linh hoạt và dễ tiếp cận hơn, bao gồm việc giảm thuế, lãi suất ưu đãi, hoặc các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Doanh nhân Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong thời đại mới - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với xu thế phát triển bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý hiện đại và công nghệ tiên tiến.

Đáng chú ý, Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các khu công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có thể thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới.

Những giải pháp này sẽ giúp doanh nhân và doanh nghiệp có thêm nguồn lực, động lực để tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh đầy thách thức nhưng cũng không ít cơ hội hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước