Hiện nay, một số ngân hàng để biển lãi suất cao nhất tới 8,8%/năm. Đây cũng là câu chuyện được cộng đồng mạng nhắc đến nhiều trong tuần qua. Đa phần các ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho kì hạn 12 tháng dao động từ 7 -7,7%/năm, kì hạn 6 tháng, từ 4,7 - 6,9%/năm. Riêng khối ngân hàng quốc doanh, lãi suất cũng có tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 0,5 -1% so với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Cộng đồng mạng bình luận:
- Chỉ trong hơn một tuần qua tôi đã nhận được cuộc gọi của 3 ngân hàng mời gửi tiền vì tăng lãi suất huy động.
- Tôi phân vân không biết chọn gửi ngân hàng nào vì chỉ trong vài ngày mà có ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đến hai lần.
Các ngân hàng cũng đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ cư dân. Một vài ngân hàng còn sử dụng biểu lãi suất bậc thang khi khách hàng rút trước hạn. Ví dụ, khách hàng gửi 13 tháng lãi suất 7,2%/năm nhưng nếu rút trước hạn 6 thángvẫn được hưởng mức lãi suất 6,7%/năm.
Cộng đồng mạng bình luận:
- Tôi đã tìm hiểu, ở một số ngân hàng, để được hưởng những mức lãi suất gây sốc như 8,8%, phải có từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Lãi cao cũng chỉ là quảng cáo mà thôi. Cứ phải tìm kỹ ngân hàng rồi hãy gửi.
- Lãi suất huy động tăng đi cho nhiều người gửi tiền vào ngân hàng, hy vọng là các ngân hàng sẽ tăng cho vay ra, không bị khó như mấy tháng trước nữa.
Trên thực tế, khi lãi suất tăng lên thì chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng sẽ tăng lên. Các nhà đầu tư sẽ cần cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền vào những kênh rủi ro.
Cộng đồng mạng bình luận:
- Khi lãi suất tăng, người dân sẽ không đổ xô đi đầu tư bất động sản nữa. Thị trường sẽ ổn định.
- Lãi suất tăng thì chi phí của doanh nghiệp tăng. Cần phải có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Một khi lãi suất huy động tăng thì khó tránh khỏi lãi vay đi lên, nhưng bài toán với các ngân hàng hiện nay là làm sao lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động. Trong Chỉ thị 15 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, thậm chí nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!