Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022

Phạm Huyền-Chủ nhật, ngày 09/01/2022 10:04 GMT+7

VTV.vn - Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ là gam màu tươi sáng dù vẫn ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đó là dự báo của nhiều tổ chức, định chế tài chính và cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới. Thêm vào đó là chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây được coi là những nền tảng quan trọng để kinh tế phục hồi nhanh.

Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2021 công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%. ADB nhận định hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho biết: "Những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết đương nhiên đã mở ra rất nhiều cơ hội cho tiếp cận thị trường xất khẩu của Việt Nam. Chúng ta có thể thấy những cơ hội tiếp cận thị trường đó sẽ tạo điều kiện cho phát triển sản xuất trong nước từ công nghiệp nông nghiệp cho đến dịch vụ".

Ngân hàng HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và phát triển xanh.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định: "Việt Nam tiếp tục sẽ là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam có số phần trăm GDP dựa trên FDI lớn hơn bất kỳ các quốc gia nào khác. Một điều rất tích cực nữa là rất nhiều các FDI tập trung vào phát triển xanh, đây sẽ là những cơ hội mới và nó cũng sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam".

Theo các chuyên gia, cầu nội địa phục hồi cũng sẽ là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, dư địa tài khóa , thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cùng những chính sách hỗ trợ sẽ là điểm tích cực thúc đẩy sự hồi phục kinh tế.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nói: "Chính phủ cũng đang đề xuất các biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, ví dụ như ban hành các gói tài khóa. Tin tốt là việc triển khai gói tài khóa này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, cụ thể tỉ lệ nợ công mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua và nới lên mức 66%, như vậy, Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn. Ngoài ra, một yếu tố thuận lợi là dự trữ tiền mặt của chính phủ vẫn ở mức cao. Tôi tin rằng với việc triển khai cải cách mạnh mẽ hơn, Việt Nam sẽ lại một lần nữa vươn lên mạnh mẽ".

Cùng với ý chí, quyết tâm chính trị cao, kinh nghiệm chống dịch cùng những chương trình cải cách cơ bản, Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi. Điểm mấu chốt hiện nay là hiện thực hóa những cơ hội, động lực sẵn nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế sau đại dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước