Không để cầu cảng thành… cầu ao
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Đồng Nai sẽ có 3 khu bến cảng biển được quy hoạch phát triển trong giai đoạn tới. Điều này đồng nghĩa với việc huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch và một phần TP Biên Hoà sẽ trở thành trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu và logistics của phía Nam, bởi đây là những khu vực hội tụ nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển.
Trong số hơn 30 khu công nghiệp hiện đã có dự án đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay thì 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đã chiếm phân nửa số lượng. Do đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn. Đây chính là thị trường lớn, đầy tiềm năng cho hệ thống cảng, dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Ðồng Nai, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 17 bến cảng biển đang hoạt động gồm 5 bến tổng hợp và 12 bến chuyên dùng. Đáng chú ý, trong số 17 cảng biển đang hoạt động chỉ có 2 cảng biển có quy mô diện tích trên 30 ha (gồm cảng Phước Thái và cảng Ðồng Nai), còn lại là các cảng có diện tích dưới 30 ha. Đồng thời, hiện chỉ có cảng Ðồng Nai và Gò Dầu vốn xuất phát điểm được nhà nước đầu tư xây dựng bài bản nên đã phát huy hiệu quả, còn lại các cảng biển khác đều trong tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ.
"Bức tranh cảng biển của tỉnh nếu không có sự điều chỉnh, thay đổi thì nguy cơ thời gian tới cầu cảng thành… cầu ao là rất cao. Ngoài ra, UBND tỉnh cần có quy định về diện tích cần có để xây dựng cảng biển. Từ căn cứ quy định này, những doanh nghiệp đã có đất nhưng chưa triển khai dự án khi tính chuyện mở cảng biển sẽ phải thực hiện liên doanh, liên kết với nhau để tạo thành cụm cảng. Cảng lớn thì mới có thể đón được tàu có tải trọng lớn, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh" - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ðồng Nai Lê Quang Bình trao đổi.
Cảng nước sâu Phước An cách khu vực xây dựng sân bay Long Thành khoảng gần 40 km hiện đang được triển khai các bước đầu tư xây dựng. Cũng tại khu vực này, Chính phủ đã đồng ý thực hiện điều chỉnh khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An thành khu công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng Phước An. Theo đó, khu công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng Phước An được quy hoạch hệ thống dịch vụ kho bãi hàng hóa, bến sà lan, ga tàu trung chuyển… phục vụ các hoạt động giao thông - vận tải và logistics cho khu vực cảng Phước An đến các khu công nghiệp trong khu vực và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhận định, trong tương lai, khi cảng Phước An được xây dựng hoàn thành thì việc xuất nhập hàng hóa của tỉnh sẽ chủ yếu thực hiện thông qua cảng nước sâu này. Do đó, hoạt động dịch vụ logistics cũng sẽ tập trung phát triển chủ yếu ở khu vực này.
Các chuyên gia kinh tế, cho rằng, hạ tầng giao thông đang đóng vai trò quan trong trong việc phát triển ngành logistics của vùng. Trong đó, các dự án giao thông như: Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào hoạt động, cao tốc Bến Lức - Long Thành phía Nam thi công gần xong, cao Biên Hòa - Vũng Tàu hiện đang làm các thủ tục triển khai, đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành liên vùng là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đang thi công, đường liên cảng liên cảng Phước An - Cái Mép và cầu cảng Cát Lái dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ là những tuyến đường huyết mạch, có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết và phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng.
Ngoài ra, tiềm năng của khu vực này còn được cộng hưởng từ hơn 20 khu công nghiệp trên địa bàn trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP Biên Hòa. So với việc vận chuyển hàng hóa đi nơi khác để xuất khẩu, quãng đường đến "thành phố sân bay" Long Thành hay cảng biển Phước An là ngắn nhất, giúp doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí vận chuyển. Đây là lợi thế quan trọng để Đồng Nai phát triển ngành logistics.
Đầu tư dài hơi và bài bản
Dù tỉnh Đồng Nai đã sớm hình thành hệ thống logistics trong những năm qua, tuy nhiên cho đến nay, Đồng Nai vẫn còn chưa phát huy tối đa lợi thế này mặc dù tiềm năng được cho là rất lớn. Trong khi các địa phương lân cận như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đang dần quy hoạch đồng bộ để phát triển dịch vụ logistics. Việc chậm quy hoạch phát triển logistics ở Đồng Nai dẫn đến thiếu hoặc chưa phù hợp về vị trí các cơ sở hạ tầng logistics, thiếu kết nối với các cảng cửa ngõ và trung chuyển như cảng Cái Mép – Thị Vải và TP Hồ Chí Minh
Bên cạnh đó, tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào đường bộ và dòng chảy hàng hóa nguyên liệu vào các cảng TP Hồ Chí Minh… Trong số hơn 30 khu công nghiệp của tỉnh, hiện có hàng nghìn doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, nhưng logistics Đồng Nai vẫn còn chưa phát huy tối đa lợi thế khiến cho việc xuất nhập khẩu, thông quan chậm, thời gian làm hàng khá dài dẫn đến chi phí logistics cao, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu.
Có thể thấy, trong dịch vụ logistics, vận tải đường thủy và hệ thống cảng có vai trò rất quan trọng. Bởi ngoài sản lượng chuyên chở lớn, chi phí vận tải bằng đường thủy cũng "dễ chịu" hơn so với đường bộ và đường hàng không. Để có thể phát huy được lợi thế của cảng biển, đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tốt, tuy nhiên hiện nay, giao thông kết nối lại đang là điểm yếu của hệ thống cảng biển.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Đồng Nai đã tính toán và bổ sung vào quy hoạch việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông kết nối. Theo đó, địa phương đã có chủ trương đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông có tính chất kết nối vùng và liên vùng như: Đường liên cảng Phú Hữu - Phước Khánh; đường 319 nối dài từ cảng Phước An qua các khu công nghiệp đến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường nối từ vành đai 3 đến đường Cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường kết nối sân bay với Cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết; đường liên cảng liên cảng Phước An - Cái Mép và cầu cảng Cát Lái… sẽ là những tuyến đường huyết mạch.
Các chuyên gia đánh giá, sân bay, cảng biển hay hàng loạt khu công nghiệp đang hoạt động chính là những lợi thế cho khu vực Long Thành và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai phát triển mạnh ngành dịch vụ logistics. Tuy nhiên, để biến khu vực này trở thành trung tâm của ngành logistics đòi hỏi phải có sự đầu tư dài hơi và bài bản.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, dự kiến đến cuối năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Tương lai, dự án này sẽ tạo động lực phát triển cho Đồng Nai cũng như khu vực lân cận. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, Đồng Nai xác định sân bay Long Thành là động lực giúp cho các huyện, thành phố xung quanh phát triển. Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là quy hoạch một mạng lưới giao thông đô thị đồng bộ hiện đại để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại.
Về hệ thống cảng biển, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh để tăng quy mô, diện tích. Theo đó, thay vì phát triển manh mún, nhỏ lẻ, hệ thống cảng biển trên địa bàn huyện Nhơn Trạch sẽ được quy hoạch theo hướng phát triển cụm cảng quy mô lớn để phục vụ đón các tàu vận tải trọng tải lớn. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho kinh tế vùng bứt phá phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!