Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2024 của Đồng Nai ước đạt 19,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Phóng viên Thời báo VTV vừa có cuộc phỏng vấn ông Thái Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai về hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương này.
Phóng viên: Thưa ông! xin ông cho biết những thông tin tổng quát về thị trường xuất nhập khẩu của tỉnh Đồng Nai?
Ông Thái Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai:
Từ năm 2017, Việt Nam mới chính thức xuất siêu thì từ năm 2014, tỉnh Đồng Nai đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Năm 2020 xuất siêu đạt 4,15 tỷ USD, năm 2023 xuất siêu đạt 6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và chiếm trên 20% trong tổng xuất siêu của Việt Nam. Đồng Nai đang là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất siêu.
Ông Thái Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai trao đổi với PV Thời Báo VTV.
Mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tuy nhiên hoạt động xuất nhập khẩu của Đồng Nai vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt 18,7 tỷ USD; năm 2021 đạt 21,7 tỷ USD; năm 2022 đạt 24,5 tỷ USD; năm 2023 đạt 21,6 tỷ USD… Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 14,2% và giai đoạn 2020-2023 đạt khoảng 4,8%. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,5 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD, đạt khoảng 84% so với mục tiêu đặt ra trong năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2020-2022 tập trung chủ yếu ở thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng từ 75 đến 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp đã đóng góp rất lớn trong giá trị xuất khẩu chung của Đồng Nai, chiếm tỷ trọng trung bình trên 60%. Hiện nay, đa số các mặt hàng của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp được xuất khẩu sang hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với các sản phẩm chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, xơ sợi dệt, gỗ và các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải, sản phẩm điện tử, kinh kiện…
Về thị trường xuất khẩu, Đồng Nai có quan hệ mua bán với khoảng 182 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào Châu Á chiếm khoảng 50%, Châu Mỹ 33%, Châu Âu khoảng 15%, còn lại là Châu Phi và Châu Đại Dương. Một số thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Đức, Thái Lan, Indonexia, Đài Loan, Mexico, Ấn Độ, Vương Quốc Anh…
Phóng viên: Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có những định hướng và giải pháp gì để công tác xuất khẩu đạt được những thành quả như vừa qua, thưa ông?
Ông Thái Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai:
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lạm phát, xung đột chính trị, vũ trang ở một số nơi trên thế giới đã khiến cho xuất khẩu của Đồng Nai gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm. Trước tình hình đó, tỉnh đã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: một là đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, trong đó tập trung mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chủ yếu, tranh thủ xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng. Đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến sâu, phát triển mạnh một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và các mặt hàng mới có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Hai là các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết đã mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp. Cơ hội lớn mở ra nhưng cạnh tranh cũng gay gắt, đặc biệt những lĩnh vực Việt Nam yếu hơn như logictics, chăn nuôi… Do đó, để tận dụng được Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp trước hết phải hiểu rõ về các cam kết, thách thức, cơ hội của ngành, lĩnh vực để tự định vị lại mình, tái cấu trúc thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng… để tận dụng các cơ hội mà cam kết mở ra. Doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn Châu Âu. Tỉnh đã tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tối đa các lợi thế mà các hiệp định thương mại mang lại.
Ba là tỉnh cũng tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nắm bắt tình hình thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại…
Bốn là chúng tôi cũng nâng cao công tác thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, EU, Trung Quốc... để kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu, giúp doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện cần thiết để chủ động phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.
Năm là chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thông qua việc kết nối về nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất trong nước, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa.
Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thông qua việc tập trung sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao, xây dựng xuất xứ hàng hóa và chỉ dẫn địa lý.
Mặt khác, chúng tôi cũng tăng cường hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin với các tổ chức xúc tiến thương mại trong khu vực và tham tán ở một số nước, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp trong tỉnh để mở rộng và phát triển hệ thống phân phối, xuất khẩu. Quảng bá hình ảnh, sản phẩm, doanh nghiệp Đồng Nai trong các kỳ hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường nước ngoài… nhằm tìm hiểu cách thức thâm nhập vào các kênh phân phối, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao xuất khẩu nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm đã qua chế biến hoặc sản phẩm đặc trưng của Đồng Nai.
Không những thế, chúng tôi còn phối hợp, giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, thương mại nhằm góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh, hướng đến đồng bộ, hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư khác.
Phóng viên: Năm 2004 sắp kết thúc, vậy tình hình xuất khẩu của Đồng Nai cả năm nay ước thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Thái Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai:
Trước sự đồng hành nỗ lực của Đồng Nai và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, 10 tháng đầu năm 2024 hầu hết các ngành sản xuất đều có kết quả tăng trưởng tốt do đơn hàng xuất khẩu tăng, thị trường xuất khẩu khá thuận lợi và giá xuất khẩu cũng tăng so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!