Cổ phiếu dược phẩm tăng "phi mã"
Ngày 30/8, VN-Index tiếp tục tăng thêm gần 15 điểm, tương đương 1,14%. Dòng tiền quay trở lại vào nhiều nhóm ngành với số mã tăng giá áp đảo, gấp 6 lần số mã giảm giá.
Tăng mạnh nhất trên thị trường trong phiên 30/8 không phải những nhóm ngành quen thuộc như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng hay sắt thép mà đó là chăm sóc sức khỏe. Có 8/19 cổ phiếu nhóm này là tăng trần. Ở mức thấp hơn, đa số cổ phiếu tăng từ 4-7%.
Có thể nhà đầu tư nghĩ nhóm dược là được hưởng lợi từ mua vaccine. Nhưng thực tế là, chính doanh nghiệp trong danh sách 36 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vaccine cho biết, đối với việc nhập khẩu ủy thác thuốc điều trị COVID-19 trong chương trình tài trợ/viện trợ để chung tay cùng Chính phủ và Bộ Y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, công ty chỉ thu phí tượng trưng và không tính đến mục tiêu lợi nhuận.
Như vậy, rất có thể dòng tiền đổ vào nhóm dược gần đây mang nặng tính đầu cơ nhiều hơn là dựa trên yếu tố cơ bản thực sự bởi nhiều công ty không liên quan đến vaccine, thậm chí thua lỗ cũng được kéo tăng trần với giá trị giao dịch thấp.
Bên cạnh dòng tiền đầu cơ tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu rủi ro, thời gian qua đã ghi nhận dòng tiền quay trở lại cả những cổ phiếu ở nhóm trung tính, an toàn, tức là có các chỉ số tốt trong trung và dài hạn.
Còn khối ngoại, ngày 30/8 bán ròng cũng chỉ là nối tiếp đà bán ròng của họ, trong 10 phiên gần nhất, họ bán ròng 8 phiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là quá trình cơ cấu bình thường
Còn bình diện quỹ, mặc dù, dòng vốn của các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam tuần qua đã bị rút ròng 50,2 tỷ đồng, nhưng con số này thấp hơn rất nhiều so với con số gần 1,3 nghìn tỷ đồng trong tuần 16-20/8/2021. Tính từ đầu năm, 12 quỹ ETF vẫn nhận ròng gần 6,9 nghìn tỷ đống tính từ đầu năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá trị giao dịch của khối ngoại, của các quỹ ETF hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị giao dịch hàng ngày. Ví dụ ngày 30/8, thanh khoản toàn thị trường tiếp tục được duy trì ở mức hơn 26.000 tỷ đồng. Theo giới phân tích, nhà đầu tư đã nhìn rõ kết quả kinh doanh quý 3 sẽ khá ảm đạm, nhưng họ đang bắt đầu theo đuổi cơ hội tại các nhóm ngành có thể hưởng lợi từ các câu chuyện kinh tế đáng chú ý, có thể phục hồi trong quý 4.
Tìm cơ hội tại những cổ phiếu có đề kháng tốt trước COVID-19
Cùng mắc COVID-19 nhưng cơ địa, sức khỏe mỗi người khác nhau nên luôn có người hồi phục sớm hơn có người lại mất nhiều thời gian hơn để lại sức. Câu chuyện của các doanh nghiệp niêm yết cũng không khác mấy. Trong khi VN-Index vẫn chưa tìm lại chính mình sau cú điều chỉnh từ đầu tháng 7, nhiều cổ phiếu đã hồi phục thậm chí chinh phục đỉnh mới. Theo các chuyên gia, đầu tư bây giờ cần tìm đến những cổ phiếu khỏe như vậy.
Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán MB, nhận định: "Thị trường điều chỉnh sâu là cơ hội để tái cơ câu danh mục vào các nhóm ít ảnh hưởng như chứng khoán, nhóm thép tôn mạ hóa chất phân bón, sản xuất phân phối điện, bất động sản rồi các nhóm hưởng lợi đầu tư công cuối năm".
Tuần qua, chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris được đánh giá cũng mở ra triển vọng tăng cường kinh tế 2 quốc gia, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và 1 số mặt hàng mới vào top xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ như sắt thép, nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang thị trường Hoa Kỳ đạt 336.000 tấn, tương ứng tăng trưởng 250% so với cùng kỳ.
Đợt dịch lần thứ 4 rất khắc nghiệt, nhưng một điểm sáng được nhận thấy là vaccine - tấm lá chắn lớn nhất với COVID-19 đang được đẩy mạnh tiêm ngừa, nếu tốc độ tiêm khả quan, quý 4 có thể chứng kiến sự hồi phục ở cả các nhóm ngành đang "sa lầy" trong thua lỗ.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích Cổ phiếu, CTCP Chứng khoán VNDIRECT, nói: "Nếu chúng ta cố gắng tiêm phủ tại thành phố lớn hay khu công nghiệp, chúng ta sẽ thấy sự phục hồi lan tỏa. Nhóm hồi phục mạnh nhất là nhóm về tiêu dùng, bán lẻ hàng không".
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế luôn đi trước so với diễn biến của nền kinh tế. Mỗi tháng trung bình có 80.000 tài khoản mở mới. Khoảng 90.000 tỷ đòng là số tiền đang nằm tại tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán. Vừa qua, một số công ty chứng khoán cũng vừa tăng vốn thêm hơn 12.000 tỷ đồng bằng việc phát hành thêm cổ phiếu. Theo các chuyên gia, dòng tiền đang chờ đợi và tìm kiếm cơ hội từ thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam, cho biết: "Dòng tiền hiện đang trú ẩn trong thị trường cổ phiếu và chưa có dấu hiệu rút ra, chỉ là luân chuyển cổ phiếu giữa các nhóm ngành".
Quý 1, quý 2 đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, hoạt động sản xuất quý 3 rõ ràng ảm đạm như VNDIRECT ước tính chỉ tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, nếu quý 4 có hoạt động sản xuất có sự phục hồi mạnh mẽ thì kế hoạch cả năm của doanh nghiệp sẽ có thể có cơ hội đạt và vượt. Vừa tích cực đẩy mạnh ngoại giao, đàm phán mua vaccine, vừa tăng cường kiểm soát dịch bệnh trong nước nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng vật tư, lương thực, thực phẩm, lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống người dân. Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ từ thuế, phí cho đến giảm lãi suất để cùng vượt qua đại dịch.
Minh chứng rõ ràng như trong năm 2020, năm đầu chịu ảnh hưởng từ COVID-19, chưa có kinh nghiệm mà sự phục hồi trong quý 4 đã giúp GDP Việt Nam năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!