Dòng vốn ngoại chịu ảnh hưởng bởi xu thế thế giới

VTV Digital-Thứ tư, ngày 24/05/2023 15:56 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, dòng vốn ngoại trên thị trường cổ phiếu Việt Nam khó nằm ngoài xu thế rút ròng chung của thế giới, tuy nhiên hiện việc bán ròng tương đối nhỏ giọt.

Phiên giao dịch hôm nay (24/5) đang rất được giới đầu tư chờ đợi khi chiều tối qua (23/5) Ngân hàng nhà nước đã chính thức công bố giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm. Đáng chú ý, trần lãi suất huy động tiếp tục giảm thêm 0,5 điểm % xuống 5,0%/năm ở kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Sự kỳ vọng của các nhà đầu tư trong phiên hôm nay là điều dễ hiểu khi ở 2 lần giảm lãi suất điều hành trước đó, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng tích cực, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản.

Có thể kể đến một số cái tên điển hình như BSI, FTS tăng một mạch 50%, tương tự các mã bất động sản: DIG, CEO, NHA… cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá hưng phấn, bởi thực tế kỳ vọng cũng đã được phản ánh tương đối trong thời gian gần đây. Về cơ bản, thị trường vẫn đang trong pha đi ngang tích lũy và sẽ cần thêm thời gian để phá vỡ trạng thái này.

"Tôi dự kiến giai đoạn tích lũy, nhanh cuối tháng 6, chậm hơn thì tháng 9 này thị trường sẽ vào giai đoạn takeoff, điểm số sẽ tăng trở lại vượt ngưỡng 1.200 điểm và tiến dần lên ngưỡng cao hơn. Các nhà đầu tư mới thường nóng ruột, cầm cổ phiếu 3 - 4 ngày mà không lên thấy các nhóm khác lên thì mình lại bán đi, nhưng bán xong mấy hôm sau nhóm mình lại chạy. Đây là đặc thù của giai đoạn tích lũy, nó sẽ không giảm giá hoặc giảm rất ít nếu chúng ta chọn cổ phiếu ở mức trung bình khá trở lên", ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Đầu tư LCTV Investment, đánh giá.

Khối ngoại bán ròng theo xu thế dòng vốn toàn cầu

Dòng vốn ngoại chịu ảnh hưởng bởi xu thế thế giới - Ảnh 1.

Thay vì "món chính" là ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần tìm đến nhiều cổ phiếu thuộc ngành sản xuất, tài nguyên cơ bản… cho một chu kỳ đầu tư mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Trong các Chương trình Khớp Lệnh gần đây của VTVMoney, nhiều khán giả thể hiện sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, có cơ bản tốt hơn là các mã trụ cột. Nguyên nhân một phần là nhóm này vẫn đang chịu tác động khá lớn từ việc bán ròng của khối ngoại. Vậy động thái này sẽ có tác động thế nào đối với các nhà đầu tư và thị trường?

Lần lượt các cổ phiếu ngân hàng lọt vào danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại trong 2 tháng trở lại đây. Tháng 4 là STB dẫn đầu với giá trị bán ròng là gần 700 tỷ đồng, còn sang tháng 5, CTG lại chiếm vị trí này, giá trị bán ròng tính đến hôm nay cũng là gần 640 tỷ đồng, ngoài ra còn có VPB, SHB…

"Tôi thấy rằng các đợt phát hành thêm chứng chỉ quỹ như Fubon cũng không thành công lắm, trước họ đạt mức limit khá nhanh, nhưng bây giờ đạt được một nửa cũng là khó. Tâm lý nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào Việt Nam bây giờ cũng ít các cơ hội đầu tư mới", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán SSI, cho biết.

Cũng theo báo cáo mới đây của SSI Research, dòng tiền đầu tư toàn cầu có xu hướng chảy vào các tài sản tài chính ít rủi ro hơn trong tháng 4 vừa qua, các quỹ cổ phiếu đã tiếp tục bị rút ròng 6,1 tỷ USD.

Còn xét riêng thị trường trong nước, các thương vụ IPO hay niêm yết mới cũng rất hạn chế, đồng nghĩa lựa chọn "hàng mới" để đầu tư cũng ít đi với các nhà đầu tư ngoại.

"Năm nay là năm cơ hội đến từ các thị trường đang lên (Emerging Market), trong đó trụ chính là thị trường Trung Quốc, dòng tiền lúc đó sẽ xoay sang các thị trường này và Việt Nam của chúng ta sẽ được hưởng lợi, mặc dù chúng ta chưa nằm trong nhóm đó. Nhưng đến gần đây, thị trường Trung Quốc cũng làm cho các nhà đầu tư thất vọng, vì thế nhà đầu tư nước ngoài rút ròng là vấn đề dễ hiểu", ông Đào Phúc Tường, nhà đầu tư, nhận định.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dòng vốn ngoại trên thị trường cổ phiếu Việt Nam khó nằm ngoài xu thế rút ròng chung của thế giới, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, việc bán ròng vẫn tương đối nhỏ giọt, chủ yếu vẫn là trạng thái mua bán đan xen. Thay vì "món chính" là ngân hàng, họ đang dần tìm đến nhiều cổ phiếu thuộc ngành sản xuất, tài nguyên cơ bản… cho một chu kỳ đầu tư mới.

Dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam sẽ ra sao? Dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam sẽ ra sao?

VTV.vn - Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất lên một mức cao nhất kể từ năm 9/2009 đã khiến các nhà đầu tư lo ngại nguồn vốn trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước