Tại Việt Nam thì sao?
Trên thực tế, lãi suất trên thị trường Việt Nam đang giảm, trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài lại đang mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm đến nay. Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8, Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý Quỹ KIM Việt Nam, Quỹ đang quản lý tổng giá trị tài sản với quy mô gần 1 tỷ USD tại Việt Nam đánh giá, với những dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, cộng với mức định giá hấp dẫn của thị trường chứng khoán hiện tại thì dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam được dự báo sẽ vẫn tích cực trong thời gian tới.
BTV Mùi Khánh Ly: Như ông cũng đã thấy, thị trường tài chính toàn cầu đang ở trong một giai đoạn lãi suất tăng cao dù gần đây Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có điều chỉnh mức tăng lãi suất nhưng vẫn trong xu hướng tăng đến cuối năm. Theo ông, điều này đang làm ảnh hưởng đến dòng vốn toàn cầu như thế nào ạ?
Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý Quỹ KIM Việt Nam: Cho đến nay, chưa thấy có dấu hiệu về việc dòng vốn toàn cầu dịch chuyển về Mỹ, nơi có lãi suất đang tăng cao tương đối nhanh. Nguyên nhân là do sau đại dịch, các dòng vốn được đẩy ra thị trường nhờ chính sách nới lỏng định lượng quy mô lớn. Đây là các nguồn vốn đầu tư, tập trung vào tốc độ tăng trưởng cao, chứ đó không phải là các dòng vốn dịch chuyển giữa các khu vực để theo đuổi lãi suất cao, ví dụ như là các khoản đầu tư vào các cổ phiếu ngành công nghệ Mỹ.
Thêm vào đó, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, đối với các dòng vốn đầu tư sử dụng đòn bẩy cùng với các khoản nợ, sẽ tạo ra nguy cơ bong bóng và sự việc Silicon Valley Bank là một tiếng chuông cảnh báo. Và lúc này, việc giảm quy mô đòn bẩy xuống được lựa chọn hơn là việc dịch chuyển các dòng vốn.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo ông, nếu có thì dòng vốn sẽ chuyển hướng sang khu vực nào nhiều nhất?
Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý Quỹ KIM Việt Nam: Có hai vấn đề, thứ nhất, tùy thuộc vào thời điểm kết thúc việc tăng lãi suất của Mỹ, vốn đã kéo dài khoảng một năm qua. Trước đó, ngay từ khi bắt đầu tăng lãi suất, các dòng vốn quy mô lớn trên toàn cầu đã bán trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn từ 10 năm trở lên và mua trái phiếu ngắn hạn từ 1 đến 2 năm. Tuy nhiên, nếu nhận thấy tín hiệu dừng tăng lãi suất, dòng vốn đó sẽ quay lại bán ra trái phiếu ngắn hạn và mua vào trái phiếu dài hạn. Những thay đổi này sẽ không liên quan quan mấy đến thị trường Việt Nam.
Thứ hai, dự kiến việc cơ cấu lại các dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi và thị trường cận biên sẽ diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Sự thay đổi của những dòng vốn này sẽ tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là hơn 8% vào năm ngoái và Chính phủ Việt Nam cũng dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã sụt giảm đáng kể vào năm ngoái và P/E dự kiến sẽ ở quanh mức 10 lần. Đây là mức hấp dẫn nhất trong 10 năm qua kể từ năm 2012.
BTV Mùi Khánh Ly: Còn dòng vốn vào thị trường Việt Nam thời gian vừa qua có bị ảnh hưởng không, theo đánh giá của ông?
Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý Quỹ KIM Việt Nam: Về dòng vốn vào Việt Nam thì có thể thấy: Thứ nhất, về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, chúng tôi nhìn nhận tích cực về khả năng thu hút nguồn vốn này tại Việt Nam khi Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng của nhiều doanh nghiệp trong quá trình mở rộng chuỗi sản xuất. Chúng tôi hy vọng đại dịch qua đi, giúp cho các hoạt động chuyển dịch và đa dạng hóa chuỗi cung ứng diễn ra với tốc độ nhanh hơn trong năm nay.
Còn về dòng vốn đầu tư gián tiếp FII trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể thấy rằng từ tháng 8/2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp bán ròng, nhưng kể từ quý 4 năm 2022, chúng ta thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại và kéo dài đà mua ròng cho đến nay. Dòng tiền này cũng đã góp phần vào đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam sau một đợt suy giảm kéo dài. Ngoài ra, nếu tính từ năm 2007 cho đến tháng 3/2023, giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài là 72.000 tỷ đồng.
BTV Mùi Khánh Ly: Với những phân tích ở trên thì theo ông, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý Quỹ KIM Việt Nam: Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng của nhiều doanh nghiệp trong quá trình mở rộng chuỗi sản xuất sau đại dịch. Thêm vào đó, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến thăm Việt Nam vào năm ngoái, nên kỳ vọng rằng, dòng vốn FDI sẽ mở rộng trở lại từ năm nay, trong đó tập trung vào việc hồi phục dòng vốn đăng ký mới và dòng vốn M&A.
Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại tích cực hơn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó, dòng vốn ngoại chảy ra khá nhanh trong hai năm qua tập trung vào các quỹ mở và quỹ ETF và dòng vốn này có thể quay lại bất cứ lúc nào. Chúng tôi cũng đánh rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại tương đối hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Nếu các chỉ số kinh tế vẫn ổn định, dự báo dòng vốn nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua, chúng tôi cũng đã tiến hành nhiều chiến dịch quảng bá tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan để giới thiệu về tiềm năng kinh tế và về con người Việt Nam.
BTV Mùi Khánh Ly: Hàn Quốc hiện đang là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và Quỹ KIM Việt Nam là một trong những quỹ Hàn Quốc có quy mô lớn tiên phong vào thị trường Việt Nam, Quỹ sẽ kết nối nguồn vốn vào Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?
Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý Quỹ KIM Việt Nam: Hiện tổng giá trị tài sản quản lý của KIM Việt Nam có quy mô là 23 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Kể từ khi thành lập quỹ đầu tiên có mục tiêu đầu tư vào Việt Nam năm 2009, chúng tôi không ngừng mở rộng quy mô đầu tư. Đến tháng 7/2020, chúng tôi chính thức thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Đây là cơ sở để chúng tôi mở rộng các sản phẩm quỹ nội địa, phục vụ cho nhà đầu tư Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã có 2 quỹ nội địa là KIM Growth Vietnam ETF và KIM Growth FinSelect ETF. Quỹ ETF là định hướng trong tương lai của KIM Việt Nam nhằm nắm bắt xu thế toàn cầu.
Các nhà đầu tư ban đầu của KIM Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Sau đó, chúng tôi cũng đã thành công trong việc huy động từ các thị trường khó tính và phát triển cao như Châu Âu và Nhật Bản cũng như tích cực tiếp cận các thị trường Đông Nam Á.
Trong tương lai, KIM Vietnam sẽ giới thiệu sự hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng vượt trội của thị trường chứng khoán Việt đến các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng sẽ tiếp tục và mở rộng vai trò là "cầu nối" cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Thứ hai, với các kinh nghiệm quản lý quỹ được kế thừa từ Hàn Quốc, chúng tôi cũng đang có kế hoạch giới thiệu Quỹ KIM Việt Nam tới các nhà đầu tư Việt Nam và mở rộng lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các nhà đầu tư Việt Nam trong thời gian tới.
BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn ông về những thông tin vừa rồi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!