Đồng Yen của Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Đồng Yen trên đà tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020, khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng liên quan đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và những lo ngại lớn hơn về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu khiến các tài sản an toàn hấp dẫn hơn.
So với đồng USD, đồng Yen trên đà tăng phiên thứ 5 liên tiếp trong phiên 2/8, đưa mức tăng tổng cộng của đồng tiền này trong 5 phiên lên gần 4,5%.
Trong phiên sáng tại London, đồng tiền của Nhật Bản tăng 0,6%, lên 130,78 Yen/USD, gần với mức 130,4 Yen/USD, cao nhất kể từ đầu tháng 6.
Lo ngại về căng thẳng Mỹ - Trung gây sức ép lên thị trường chứng khoán, khiến các nhà đầu tư tìm đến trái phiếu của Mỹ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 2,516%, mức thấp nhất kể từ tháng 4, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với trái phiếu của Nhật Bản xuống 236 điểm cơ bản, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4.
Theo số liệu công bố tuần trước, kinh tế Mỹ giảm quý thứ 2 liên tiếp, gây thêm tranh cãi về nguy cơ suy thoái của kinh tế nước này. Các nhà giao dịch đang chờ số liệu về việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này.
John Hardy, phụ trách chiến lược ngoại hối tại Saxo Bank, cho rằng việc Mỹ công bố số liệu vào cuối tuần này và phản ứng của thị trường trái phiếu sẽ có tác động không nhỏ đến diễn biến của đồng Yen.
Trước đó, ngày 1/8, tỷ giá đồng USD so với đồng Yen của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần, trong bối cảnh các thị trường tiếp tục đặt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ lùi lại việc mạnh tay tăng lãi suất khi nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Phiên giao dịch ngày 1/8, "đồng bạc xanh" được định giá 1 USD đổi được 132,07 Yen, mức thấp nhất kể từ ngày 16/6. Chỉ số đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có đồng Yen, đã giảm 0,18% xuống mức 105,80, giảm, so với mức 105,53 được ghi nhận vào ngày 29/7.
Ngày 27/7, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % lên phạm vi từ 2,25 - 2,5%. Giới quan sát nhận định đà tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại có thể khuyến khích FED lùi lại việc mạnh tay tăng lãi suất, mặc dù phần lớn sẽ phụ thuộc vào đường đi của lạm phát vốn vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% do FED đề ra. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận hoạt động kinh tế đang suy yếu là kết quả của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!