Đồng Yen hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng USD, vượt qua ngưỡng 143 Yen/USD. Đồng nội tệ của Nhật Bản rơi xuống mức thấp nhất trong 15 năm so với đồng Euro. Thị trường đang đặt câu hỏi lớn: Liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có sớm can thiệp để vực dậy tỷ giá hay không?
Nguyên nhân của việc đồng Yen giảm giá nhanh so với đồng USD được cho là việc Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BOJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với lãi suất âm, trái ngược hoàn toàn với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 10 lần tăng lãi suất.
Theo biểu đồ về sự biến động của tỷ giá giữa 2 đồng tiền này trong 1 năm qua, tháng 3/2022, khi FED bắt đầu thắt chặt tiền tệ với đợt nâng lãi suất đầu tiên, đồng Yen từ mức 114 Yen đổi 1 USD đã bắt đầu mất giá.
Đến tháng 9/2022, đồng Yen vượt ngưỡng tâm lý 140 Yen đổi 1 đồng USD. Kỷ lục giảm giá được ghi nhận ngay sau đó 1 tháng khi 150 Yen mới đổi được 1 đồng bạc xanh. Đó cũng là thời điểm FED đã tăng lãi suất 5 lần liên tiếp.
Hiện xu hướng đồng Yen giảm giá nhanh khi FED được dự báo sẽ còn 2 đợt nâng lãi suất trong năm nay. (Ảnh: Bloomberg)
Khi đó, Bộ Tài chính Nhật Bản đã bơm tổng cộng khoảng 68 tỷ USD vào thị trường tài chính để hỗ trợ tỷ giá. Các cuộc can thiệp này thường không được công bố và bao gồm việc BOJ hút một lượng lớn Yen Nhật khỏi hệ thống.
Hiện xu hướng đồng Yen giảm giá nhanh khi FED được dự báo sẽ còn 2 đợt nâng lãi suất trong năm nay, qua đó càng thúc đẩy xu hướng bán Yen mua USD gia tăng.
Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản, ông Masato Kanda, cho rằng việc đồng Yen xuống giá so với đồng USD diễn ra nhanh và từ một phía. Cơ quan này sẽ không loại trừ phương án nào trong việc ứng phó để ngăn đà mất giá của đồng nội tệ này.
"Bây giờ, khi tỷ giá đã phá mốc 140 Yen đổi 1 USD (do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn), chúng tôi cho rằng sẽ sớm có những câu hỏi về việc liệu Bộ Tài chính Nhật Bản có can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ hay không", bà Joey Chew, Trưởng bộ phận ngoại hối châu Á, Ngân hàng HSBC, cho biết, "tuy nhiên, xét tới những phát biểu gần đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi, có vẻ như nhà chức trách sẽ không sớm có hành động can thiệp. Những ngôn từ được sử dụng không có vẻ cứng rắn như so với thời điểm tháng 9/2022, khi có sự can thiệp vào thị trường".
Nhìn lại lịch sử giai đoạn tháng 9/2022 trước đợt BOJ can thiệp, tỷ giá đồng Yen biến động khoảng 6 - 8% mỗi tháng so với USD. Còn hiện nay, biến động của tỷ giá đang là 4 - 5% mỗi tháng.
Như vậy, để mức biến động hàng tháng vượt 6%, tỷ giá đồng Yen so với đồng bạc xanh cần giảm đến mức 145 Yen đổi 1 USD. Khi đó một đợt can thiệp của các cơ quan tiền tệ Nhật Bản mới có thể diễn ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!