Trong bài phát biểu chiến thắng tại trung tâm hội nghị ở bang Florida trước những người ủng hộ, ông Donald Trump nhấn mạnh khoảnh khắc này "sẽ giúp đất nước chữa lành". Ông cam kết sẽ "chiến đấu vì người dân mỗi ngày" và đưa đất nước bước vào "thời kỳ hoàng kim".
Vị thế của ông Trump trong nhiệm kỳ mới có thể sẽ càng vững chắc hơn nữa, với việc Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ, và nhiều khả năng có thể là cả Hạ viện. Đây sẽ là cơ sở để ông tiến hành nhiều thay đổi lớn đối với hệ thống chính phủ Mỹ, nền kinh tế, và các mối quan hệ quốc tế.
Thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng và bảo vệ thị trường nội địa
Các vấn đề kinh tế là yếu tố thuyết phục nhiều cử tri Mỹ bỏ phiếu cho ông Donald Trump, thay vì đối thủ Kamala Harris. Người dân kỳ vọng ông sẽ có thể tái hiện những kết quả tích cực trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống Mỹ trong lần quay trở lại Nhà Trắng này.
Ngày 6/11, thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức đã phản ứng tích cực với kết quả bầu cử. Trong phiên giao dịch ngay sau ngày bầu cử, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều đạt mức cao kỷ lục, trong đó, chỉ số Dow Jones tăng hơn 1.500 điểm – đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, chỉ số này có ngày giao dịch tăng hơn 1.000 điểm.
Ấn tượng hơn cả là chỉ số Russell 2000 của nhóm cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ. Chỉ số đã đạt mức tăng gần 6% nhờ kỳ vọng, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ tại Mỹ sẽ được hưởng lợi từ các đề xuất chính sách của ông Trump như giảm thuế doanh nghiệp và bảo hộ thị trường nội địa.
Cổ phiếu hãng xe điện Tesla cũng đã tăng vọt gần 15% trước khả năng công ty sẽ hưởng lợi lớn từ các chính sách của ông Donald Trump. Nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn cũng bứt phá, với kỳ vọng doanh thu giao dịch và lợi nhuận sẽ lớn hơn. Cổ phiếu của Wells Fargo chốt phiên tăng 13,1%, trong khi JPMorgan Chase tăng 11,54%.
Dù chưa đưa ra một lộ trình cụ thể, chính sách kinh tế chủ đạo của ông Trump gần như chắc chắn sẽ "ưu tiên phát triển nội lực Mỹ", đặc biệt là bằng việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong nước. Ông từng cam kết sẽ giảm 15% thuế doanh nghiệp cho các công ty sản xuất nội địa. Ngoài ra, ông còn hứa hẹn giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân, thậm chí từng đề cập khả năng bỏ luôn loại thuế này.
Các biện pháp trên được cho là có thể tác động tích cực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân. Ông Carsten Brzeski - chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng ING đánh giá: "Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump sẽ là tin tức tốt cho kinh tế Mỹ trong thời gian tới. Việc cắt giảm thuế, giảm bớt các quy định, sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn".
Điểm nóng thuế quan
Ông Trump đã nhấn mạnh rằng mức thuế của ông sẽ tạo ra việc làm trong nước và giải phóng nước Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào ngành sản xuất nước ngoài. "Thay vì đưa sản phẩm từ Trung Quốc vào, với nhiều chi phí bổ sung, cuối cùng chúng ta sẽ sản xuất sản phẩm ngay tại nước Mỹ".
Một số ý kiến lo ngại, các biện pháp thuế quan của ông Trump có thể khiến quan hệ giữa Mỹ và các nước căng thẳng hơn, từ các đồng minh như châu Âu, Nhật Bản, cho tới các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc. Thuế quan cũng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát và khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) mới đây cho biết, người tiêu dùng nước này có thể mất tới 78 tỷ USD sức mua hàng năm nếu đề xuất thuế quan mới của ông Donald Trump đối với hàng nhập khẩu được thực hiện.
Bà Janet Mui, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại RBC Brewin Dolphin's nhận định, "Ông Trump đang đề xuất cắt giảm thuế, điều này rất có lợi cho các doanh nghiệp của Mỹ. Bên cạnh đó, ông ấy cũng đề xuất giảm bớt các quy định, và điều này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty trong ngành tài chính".
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại có thể gia tăng, khi ông Donald Trump dự kiến, nguồn thu sụt giảm do việc giảm thuế sẽ được bù đắp bởi chính sách tăng thuế nhập khẩu. Ông đã cam kết sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, áp mức thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, và mức thuế từ 60% - 100% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Gần đây, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế lên tới 100 % đối với Mexico, đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ trong năm 2024.
Những năm đầu trong nhiệm kỳ cầm quyền trước của ông Trump đã mang lại kết quả cho nền kinh tế tốt hơn so với những gì được kỳ vọng ngay sau khi ông đắc cử. Những kỳ vọng ở thời điểm hiện tại về 4 năm cầm quyền tới của ông cũng có thể không chính xác. Một lý do là nền kinh tế Mỹ mà ông Trump tiếp quản lần này đang trong tình trạng tương đối tốt. Tăng trưởng kinh tế duy trì tốt tới mức đáng ngạc nhiên trong khi tốc độ lạm phát đã giảm nhiều từ mức đỉnh dù giá cả hàng hóa và dịch vụ còn cao. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và điều này sẽ giữ nguy cơ suy thoái kinh tế ở mức tối thiểu.
Theo tờ báo Wall Street Journal, cơ hội đầu tiên của ông Trump để ghi dấu ấn kinh tế trong nhiệm kỳ tới sẽ là chính sách thuế quan - lĩnh vực mà ông có thể hành động mà không cần tới sự phê chuẩn của Quốc hội. Dù vậy, các thủ tục hành chính và các cuộc đàm phán có thể khiến việc thực thi thuế quan bị trì hoãn. Trong nhiệm kỳ trước của ông, phải mất 11 tháng kể từ khi thuế quan được khởi xướng cho tới khi đi vào thực thi. Thuế quan cũng có thể trở thành một nội dung trong các cuộc đàm phán rộng hơn về gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017 của Đảng Cộng hòa.
"Quân bài" đàm phán
Thuế quan trong nhiệm kỳ trước của ông Trump được cho là không gây ra hiệu ứng đáng kể nào đối với lạm phát vì mức thuế ông đưa ra khi đó là thấp, cộng thêm nhu cầu và đầu tư ảm đạm trên toàn cầu cũng như thị trường việc làm thừa nhân lực nên đã không gây áp lực lên lạm phát. Trước khi ông Trump đắc cử lần đầu, tiền lương ở Mỹ tăng với tốc độ hàng năm chỉ 2,4%. Cũng ở thời điểm đó, nhà đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ vọng lạm phát tương lai bình quân ở mức 1,8% mỗi năm, thấp hơn mục tiêu 2% của Fed.
Lần này, ông Trump đề xuất mức thuế quan cao hơn nhiều, ở mức ít nhất 60% đối hàng hóa từ Trung Quốc và 10-20% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác. Một sự kết hợp như vậy sẽ đưa thuế quan của Mỹ lên mức cao nhất kể từ thập niên 1930. Thuế quan đó sẽ được áp dụng trong bối cảnh nhu cầu ở mức cao, chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương trước xung đột địa chính trị và những ký ức về lạm phát còn rất mới. Tiền lương ở Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ 3,8% mỗi năm và thị trường trái phiếu kỳ vọng lạm phát tương lai ở mức 2,3%.
Điều này có nghĩa là trong nhiệm kỳ này của ông Trump, thuế quan có thể đặt ra rủi ro lạm phát lớn hơn so với nhiệm kỳ trước. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ước tính rằng kế hoạch thuế quan 60% và 10% của ông Trump sẽ khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng thêm 0,9%. Đó chỉ là hiệu ứng một lần và theo thời gian, tốc độ lạm phát sẽ giảm về mức phù hợp với xu hướng cốt lõi trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, các yếu tố khác có thể dẫn tới tác động nhỏ hơn của thuế quan. Các nhà nhập khẩu có thể hấp thụ thuế quan nhiều hơn, chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn. Đồng USD có thể tăng giá, giúp bù đắp lại sự gia tăng của giá nhập khẩu hàng hóa. Quan trọng hơn, một số cố vấn của ông Trump cho biết ông sẽ dùng thuế quan như một chiến thuật đàm phán để hạ hàng rào thương mại của các quốc gia khác, nên việc áp thuế quan thực chất sẽ ít hơn so với những gì ông cảnh báo. Nếu ông Trump nhận thấy mối lo sợ về thuế quan tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán hoặc đẩy lãi suất tăng, ông có thể sẽ nhượng bộ.
Các nhà kinh tế học của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng ông Trump sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc ở mức 20% thay vì 60%, và sẽ không áp thuế quan phổ khắp lên các quốc gia khác. Trong kịch bản đó, Goldman Sachs nhận định lạm phát lõi ở Mỹ, dựa theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi mà Fed ưa chuộng, sẽ giảm từ mức 2,7% hiện nay xuống mức 2,3% trong vòng một năm, thay vì giảm về 2% như trong kịch bản chính của ngân hàng này.
Chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump không chỉ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, mà còn nhằm khôi phục những việc làm tốt và vực dậy nền sản xuất Mỹ, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. "Đúng là có tổn thất. Nhưng trong nhiều trường hợp, tôi cho là xứng đáng", Chủ tịch Scott Paul của Liên minh Sản xuất Mỹ, nhận định về các kế hoạch của ông Trump.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!