Bước ngoặt này được các chuyên gia nhận định sẽ nâng kỳ vọng tăng trưởng cho ngành dịch vụ - du lịch trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm.
Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, 5 ngày lễ, người dân đã thực hiện 274 triệu chuyến đi nội địa, tăng gần 71% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch. Doanh thu hơn 148 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 21,5 tỷ USD, tăng gần 129% so với cùng kỳ năm trước và bằng với năm 2019.
Đây là mùa du lịch đầu tiên sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dịch bệnh. Từ đó, các chuyên gia nhận định lĩnh vực phi sản xuất sẽ tăng trong tháng 4 để bù đắp phần nào lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu chậm lại khi các thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc giảm nhập khẩu do kinh tế khó khăn.
Khách du lịch tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Sự phục hồi của du lịch nội địa cũng giúp cho niềm tin tăng trưởng ngành dịch vụ - tiêu dùng - du lịch - giải trí tăng lên. Cao điểm du lịch tiếp theo là kỳ nghỉ hè và Quốc khánh Trung Quốc vào tháng 10 kéo dài 1 tuần lễ.
Học viện Du lịch Trung Quốc ước tính, năm 2023, Trung Quốc sẽ có 4,5 tỷ chuyến đi du lịch nội địa, tăng 73% so với năm 2022.
Goldman Sachs nhận định trong giai đoạn tiếp theo của quá trình phục hồi tiêu dùng dựa vào tăng trưởng thu nhập tăng lên, niềm tin tiêu dùng được cải thiện. Thậm chí tổ chức này còn nhận định sự phục hồi mạnh của du lịch cùng với tiêu dùng sẽ đưa nền kinh tế số 2 thế giới tăng trưởng GDP năm 2023 lên 6%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!