Du lịch y tế đang được coi là mỏ vàng của các nước khu vực Đông Nam Á. Đơn cử như Thái Lan và Ấn Độ, 2 quốc gia này đã chiếm tới khoảng 90% ngành du lịch y tế của toàn châu Á, mỗi năm có khoảng 2 triệu lượt khách tới Thái Lan để khám chữa bệnh.
Theo thống kê hiện nay, Việt Nam được đánh giá là nước có giá dịch vụ y tế thấp, có nhiều điều kiện để phát triển du lịch y tế, TP.HCM cũng đã chú trọng để phát triển du lịch theo mô hình này. Tuy nhiên sau một thời gian, mọi việc dường như vẫn còn ngổn ngang.
Bệnh Viện Răng Hàm Mặt TP.HCM là 1 trong số 14 bệnh viện đầu tiên tham gia trong chương trình du lịch y tế của thành phố. Nếu so với các nước phát triển khác, chi phí làm răng tại Việt Nam chỉ bằng 1/10, tuy nhiên, chi phí rẻ không đồng nghĩa với việc sẽ hút được khách.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành tuy rất cần sản phẩm mới để chào bán nhưng du lịch y tế lại là loại sản phẩm không dễ bán. Là một trong những đơn vị lớn nhất đưa khách quốc tế vào Việt Nam, thế nhưng đại diện hãng lữ hành chia sẻ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể và con đường xây dựng sản phẩm tour y tế cho khách vẫn còn rất dài.
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh trong năm 2017 đạt khoảng 80.000 lượt với doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Riêng TP.HCM chiếm đến 50% lượt khách với doanh thu khoảng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, để biến những con số ở dạng tiềm năng thành một sản phẩm cụ thể cần rất nhiều thời gian, bởi so với các nước trong khu vực Việt Nam vẫn còn rất mới. Việc chọn du lịch y tế sẽ trở thành sản phẩm chính gắn với thương hiệu quốc gia như một số nước đang làm như: Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Singapore, hay chỉ là dạng dịch vụ gia tăng trong tour du lịch cũng cần được tính đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!