Ảnh min họa.
Theo tờ The Jerusalem Post (Jpost), bất chấp lệnh trừng phạt dẫn đến việc tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) bị đóng băng, nước này vẫn giữ được hàng trăm tỷ USD ngoài tầm với của phương Tây nhờ một số nỗ lực đặc biệt.
Lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt vào năm 2022 đã hạn chế khả năng tiếp cận một số tài sản tài chính của Nga, nhưng dự trữ vàng của nước này thì nằm ngoài tầm với của lệnh cấm.
Bài viết của Jpost nhấn mạnh rằng Nga đã bắt đầu tích cực tích lũy vàng từ vài năm trước. Một phần dự trữ của BoR đã được chuyển thành vàng, được cất giữ trong nước. Không giống như dự trữ ngoại hối, vàng không thể bị tịch thu. Do đó, phần lớn nhờ vào vàng mà kinh tế Nga đã có thể trụ vững.
Theo bài viết, khoản thu nhập này phần lớn là "trên giấy" nhưng nếu cần thiết thì có thể được sử dụng để lách các biện pháp trừng phạt.
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của Nga đã đạt mức kỷ lục. Theo BoR, tính đến ngày 1/10/2024, dự trữ vàng đạt 199,764 tỷ USD. Trong tháng 9/2024, vàng chiếm 30,8% tổng dự trữ ngoại hối của đất nước và hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1999 là 31,5%. Theo số liệu của năm 2023, Nga dẫn đầu về lượng mua vàng khi BoR mua vào 1.300 tấn. Hiện nay, Nga đứng thứ 5 thế giới về dự trữ vàng với 2.340 tấn. Mỹ dẫn đầu thế giới về dự trữ vàng với 8.100 tấn, sau đó là Đức (3.400 tấn), Italy (I-ta-li-a, 2.500 tấn) và Pháp (2.400 tấn).
Chuyên gia thị trường kim loại quý Alexey Vyazovsky giải thích rằng dự trữ vàng cho phép Nga không chỉ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giúp đồng ruble giữ giá, mà còn mang lại lợi nhuận khá với đà tăng giá mạnh gần đây. Một cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGS) cho thấy các nước và nhiều ngân hàng đang có nhu cầu tăng dự trữ vàng. Gần 1/3 số ngân hàng được hỏi thông báo về kế hoạch tăng dự trữ do lo ngại về nguy cơ khủng hoảng và lạm phát tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!