Dựa vào "người khổng lồ" để ngành công nghiệp bán dẫn cất cánh

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 14/09/2024 15:07 GMT+7

VTV.vn- Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để ngành này cất cánh, hòa nhập với sự phát triển toàn cầu rất cần dựa vào "người khổng lồ".

Bắt đầu từ câu chuyện: Nguồn nhân lực 

Thị trường bán dẫn toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh, dự tính trở thành nền công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027. Theo Tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS), thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt kỷ lục 588,36 tỷ USD và sẽ tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030.

Gần đây, các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhắc nhiều đến cụm từ "cơn khát nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn" khi nước ta được đánh giá là đang đứng trước những cơ hội "vàng" để phát triển vi mạch bán dẫn. Đây cũng là một trong những ngành ưu tiên khuyến khích phát triển hàng đầu. 

"Việt Nam mong muốn đưa đất nước đi đầu trong công nghệ và đổi mới, bằng cách tăng cường thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển và mở rộng nhiều quan hệ đối tác mới, quan đó góp phần vào khả năng phục hồi và tăng trưởng của hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu", ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội khẳng định khi trao đổi với phóng viên VTV Times. 

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt phát triển công nghiệp bán dẫn nhưng Việt Nam lại đang thiếu trầm trọng yếu tố này.

Dựa vào người khổng lồ để ngành công nghiệp bán dẫn cất cánh - Ảnh 2.

Việt Nam đang triển khai một loạt phiên khởi động chiến lược để thúc đẩy vai trò của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Đó cũng là nhận định của các chuyên gia trên thế giới: Ngành công nghiệp bán dẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực. Theo WSTS, đến năm 2030 thị trường cần khoảng 1 triệu lao động cho các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Dự báo ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ sẽ thiếu hụt từ 70.000– 90.000 lao động trong những năm tới. Bên cạnh đó,  tại Nhật Bản, Hiệp hội ngành bán dẫn của Nhật Bản dự đoán trong thập kỷ tới, mỗi năm ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 1.000 nhân lực chất lượng cao...

Còn tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế dự báo trong khoảng 5 năm tới, ngành bán dẫn cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, theo thống kê, số nhân lực thiết kế vi mạch hiện mới chỉ có khoảng 5.000 người.

Hợp tác với "người khổng lồ" Hoa Kỳ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn

Xác định phát triển nguồn nhân lực là đột phá của đột phá để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tận dụng cơ hội ngàn năm có một, nước ta đã tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia phát triển về lĩnh vực này. Trong đó, không thể không kể đến "người khổng lồ" Hoa Kỳ. Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đang triển khai một loạt phiên khởi động chiến lược để thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và chính sách công.

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Việt Nam đang có nhiều lợi thế với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp bán dẫn. Trong đó có hơn 40 công ty thiết kế, khoảng 20 doanh nghiệp lĩnh vực đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị ngành bán dẫn.

Mới đây nhất, ngày 11/9, Đại học bang Arizona (ASU) phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (MPI), Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và chính sách công để xác định điểm mạnh và thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt là xây dựng các kế hoạch hành động để nâng cao năng lực của mình.

Trao đổi với phóng viên VTV Times bên lề sự kiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, các hội thảo này được thiết kế để phát triển lực lượng lao động lành nghề và tạo ra môi trường chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư và đổi mới trong lĩnh vực bán dẫn. ASU sẽ hợp tác với các tổ chức giáo dục để các giáo sư và sinh viên từ các tổ chức đó có thể nhận được sự cố vấn và tiếp cận các khóa học hỗ trợ sự phát triển của họ. Những nỗ lực này phù hợp với mục tiêu của Quỹ đổi mới và an ninh công nghệ quốc tế (Quỹ ITSI) nhằm đa dạng hóa và mở rộng năng lực ATP bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng mạnh mẽ và linh hoạt.

Dựa vào người khổng lồ để ngành công nghiệp bán dẫn cất cánh - Ảnh 4.

Các hội thảo được thiết kế để phát triển lực lượng lao động lành nghề và tạo ra môi trường chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư và đổi mới trong lĩnh vực bán dẫn

"Những sự kiện được tổ chức sắp tới sẽ tiếp tục tăng cường kết nối các tổ chức của Hoa Kỳ và Việt Nam. Thông qua đó, Hoa Kỳ đầu tư vào các chương trình phát triển lực lượng lao động Việt Nam, xây dựng mối quan hệ giữa các tổ chức nhằm định hình ngành công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm tới", Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh.

Được biết, Hoa Kỳ đã thành lập Quỹ ITSI năm 2022 để củng cố chuỗi cung ứng bán dẫn quan trọng đối với ngành công nghiệp Hoa Kỳ. Sáng kiến ​này nhằm mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng lực lượng lao động có tay nghề và tinh chỉnh các khuôn khổ pháp lý để xây dựng chuỗi cung ứng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói bán dẫn (ATP) toàn cầu đa dạng và có khả năng phục hồi.

Theo đó, Việt Nam là một trong 8 quốc gia chiến lược được lựa chọn cho sáng kiến ITSI, cùng với Costa Rica, Mexico, Panama, Indonesia, Philippines, Kenya và Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ ASU 13,8 triệu USD để thúc đẩy phát triển nhân tài và xây dựng các khuyến nghị về chính sách công trên khắp các quốc gia này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại sự kiện trên rằng, sáng kiến ​​này là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và thúc đẩy sự hợp tác giữa đất nước chúng tôi và Hoa Kỳ. Bằng cách đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và chính sách công, chúng tôi hướng đến mục tiêu củng cố vị thế của Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Có thể thấy, nhu cầu nhân sự ở một số thị trường hiện nay cũng đang rất lớn. Việt Nam đang triển khai một loạt phiên khởi động chiến lược để thúc đẩy vai trò của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Mới đây, Nhật Bản cũng đề xuất phối hợp với Việt Nam và ASEAN đào tạo 100.000 kỹ sư ngành công nghệ số trong đó có bán dẫn. Được biết, trong định hướng Dự thảo chiến lược ngành bán dẫn và Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đã xác định Việt Nam trở thành một hub về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đội ngũ kỹ sư nắm được công nghệ chủ chốt của ngành là rất quan trọng./.

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước