Đường đi tiếp theo của biểu đồ chứng khoán Mỹ khi FED tăng lãi suất?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 31/08/2022 10:16 GMT+7

VTV.vn - Chứng khoán Mỹ đã có 2 ngày đầu tuần liên tiếp giảm điểm. Các nhà đầu tư trên thị trường đang lo ngại rằng tình trạng bán ra khó chấm dứt ngay.

Chứng khoán Mỹ đã có 2 ngày đầu tuần liên tiếp giảm điểm. Các nhà đầu tư trên thị trường đang lo ngại rằng tình trạng bán ra khó chấm dứt ngay. Đặc biệt khi lại có thông tin tốt từ thị trường việc làm, từ niềm tin người tiêu dùng, càng làm lộ rõ hơn con đường tăng lãi suất cao sắp tới của FED.

Theo ghi nhận, ngày thứ 2 trong tuần, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục bán ra. Trang CNBC cho biết, số lượng bán ra đã bằng một nửa số điểm mà thị trường đạt được trong mùa hè vừa qua.

Cụ thể như chỉ số S&P500 đã trượt xuống mức 4.000 điểm, tức mức bằng một nửa so với mức đỉnh đã đạt được trong giai đoạn từ giữa tháng 6 đến tháng 8. Vùng mất điểm này, được các nhà quan sát, gọi là "đầu và vai", nghĩa là vùng có 3 đỉnh. Trong đó, hai đỉnh nhỏ 2 bên gọi là "vai", đỉnh cao nhất là "đầu". Chỉ số này đã qua một đỉnh nhỏ, rồi một đỉnh rất cao. Điều này có nghĩa thời gian tới sẽ còn giảm sâu hơn trước khi trở lại mức đỉnh "vai" thứ 2.

Nhật báo phố Wall bình: Dữ liệu việc làm mới được công bố đã tốt hơn kỳ vọng. Điều đó càng củng cố nỗi lo rằng FED sẽ "ung dung" với chiến dịch tăng lãi suất mạnh tay. 11,2 triệu việc làm còn trống trong tháng 7 - theo Yung-Yu Ma của Quỹ tài sản BMO đây con số quá lớn sẽ dẫn tới thái độ cứng rắn và mạnh tay của FED.

Đường đi tiếp theo của biểu đồ chứng khoán Mỹ khi FED tăng lãi suất? - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ đã có 2 ngày đầu tuần liên tiếp giảm điểm. Ảnh minh họa.

Nhưng FED cứng rắn và mạnh tay tới khi nào? Phải chăng FED sẽ không quan tâm tới các phản ứng thị trường chứng khoán? Câu trả lời là có quan tâm nhưng bây giờ chưa phải lúc.

Theo Bloomberg, đợt tăng trưởng của thị trường chứng khoán vừa qua dựa trên niềm tin rằng các quan chức tiền tệ sẽ không tăng lãi suất quá lâu và rằng khi đạt được một mức đỉnh, họ sẽ sớm phải hạ lãi suất như đã từng diễn ra vài thập kỷ trước.

Nhưng theo bài báo, thời các ngân hàng Trung ương giải cứu nền kinh tế trượt dốc bằng hạ lãi suất đã qua. Bây giờ phải đối mặt với một thế giới tăng lãi suất cho đến khi "lạm phát phải khuất phục", dù cả nền kinh tế có gánh được lãi suất đó hay không.

Nghiên cứu 6 chu kỳ tăng lãi suất của FED trong lịch sử cho thấy chứng khoán thường chạm đáy 57 ngày (gần 2 tháng) FED kết thúc chu kỳ tăng. Còn khi nào FED thực sự đảo ngược chính sách, nghĩa là hạ lãi suất thì khó đoán.

Theo các chuyên gia, thay vì đợi và đoán khi nào FED hạ lãi suất trở lại, điều đáng quan trọng hơn là hãy tìm hiểu mức giá mua vào trung bình tốt nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước