ECB có cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào tuần tới?

Kate Trần-Thứ năm, ngày 10/10/2024 07:20 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay, 9/10, một số nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã đưa ra khả năng về việc cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào tuần tới.

Tăng trưởng kinh tế yếu là động lực để cắt giảm lãi suất

ECB đã hạ lãi suất 2 lần trong năm nay và việc dự định cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống 3,5% vào ngày 17/10 gần như đã được thị trường tài chính cơi là chắc chắn. Các nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng ECB sẽ đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách do nền kinh tế yếu và tốc độ tăng trưởng giá cả chậm lại thời gian qua.

Trong năm nay, ECB đã hai lần cắt giảm lãi suất - ban đầu ở mức cao kỷ lục - và thị trường kỳ vọng chính sách sẽ nới lỏng hơn nữa vào tháng 10 và tháng 12 vì lạm phát đang giảm nhanh hơn dự đoán của các nhà hoạch định chính sách.

Bàn về câu chuyện này, Thống đốc ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết, việc cắt giảm lãi suất vào tuần tới của ECB rất có thể xảy ra và đây sẽ không phải là lần cuối cùng, nhịp độ tùy thuộc vào diễn biến của cuộc chiến chống lạm phát.

Mới đây, chia sẻ với Financial Times, Thống đốc ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cũng cho hay, ngay cả khi chúng tôi cắt giảm một lần 25 điểm cơ bản ngay bây giờ và một lần nữa vào tháng 12, chúng tôi vẫn sẽ quay lại mức 3%.

Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan là Olli Rehn, Thống đốc Ngân hàng trung ương Latvia là Martins Kazaks và Thống đốc Ngân hàng Bồ Đào Nha là Mario Centeno đều đưa ra lập luận về đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 10 trong khi chủ tịch ECB Christine Lagarde đưa ra gợi ý mạnh mẽ về động thái này, củng cố sự kỳ vọng của thị trường.

Đối với nhiều nhà phân tích, vấn đề nằm ở chỗ là nền kinh tế châu Âu đã trì trệ trong thời gian qua, thị trường lao động đang suy yếu, tăng trưởng tiền lương đang chậm lại và lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán của ECB. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, hiện Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Bỉ Pierre Wunsch vẫn chưa đưa ra quyết định. 

Các nhà đầu tư tài chính hiện dự kiến ​​lãi suất tiền gửi của ECB sẽ giảm xuống 3% vào cuối năm nay và 2% vào cuối năm 2025 - đây là mức mà phần lớn cộng đồng tài chính coi là lãi suất trung lập, mức không kích thích hoặc làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Nhiều nỗi lo về tăng trưởng kinh tế của Eurozone

Nhận định về đà tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2024, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng, đà tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ. Trên thưc tế, nhu cầu nội địa yếu, đầu tư kinh doanh và nhà ở giảm sút, cùng một số yếu tố khác đang là những "cơn gió ngược" cản trở sự phục hồi nền kinh tế.

Trong bản cập nhật dự báo mới nhất được công bố trong tháng này, ECB dự báo nền kinh tế khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm nay.

Nhìn lại hành trình chống lạm phát, bà Lagarde nhắc lại rằng lạm phát đã đạt đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022, giảm xuống 5,2% vào tháng 9/2023 và xuống 2,2% vào tháng 8/2024. Lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9/2024 trước khi tăng trở lại trong năm nay.

Chủ tịch ECB cam kết đưa lạm phát dài hạn về mức mục tiêu 2% một cách kịp thời và phát đi tín hiệu rằng nhiệm vụ kiềm chế lạm phát vẫn chưa kết thúc. 

Trong bối cảnh lạm phát ở Eurozone đang giảm xuống, ECB đã bắt đầu giảm dần chính sách tiền tệ thắt chặt của mình vào tháng 6/2024. 

Các nhà phân tích cho rằng, niềm tin gia tăng về triển vọng lạm phát đã mở đường cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 10/2024.

Trước đó, kết quả khảo sát được công bố ngày 23/9 cho thấy, hoạt động kinh doanh ở Eurozone đã bất ngờ giảm mạnh trong tháng 9/2024, khi ngành dịch vụ chững lại, trong khi lĩnh vực chế tạo đi xuống.

Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 51,0 của tháng 8 xuống 48,9 trong tháng 9. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2024 chỉ số này xuống dưới mức 50 – mức phân biệt giữa tăng trưởng và suy giảm.

Trong đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ giảm từ 52,9 xuống 50,5; Còn chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo, vốn ở dưới mức 50 suốt hơn 2 năm nay, đã giảm từ 45,8 xuống 44,8.

Sự sụt giảm này diễn ra sâu rộng tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong khi Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone - đã đảo chiều đi xuống sau khi được thúc đẩy trong tháng 8 nhờ Thế vận hội (Olympic) Paris 2024.

Ông Bert Colijn, chuyên gia của ngân hàng ING nhận định, số liệu trên làm gia tăng những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Eurozone khi nỗi lo về lạm phát đã dịu xuống.

Có thể thấy, trên thực tế, số liệu trên đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ của Eurozone giảm mạnh, trong đó dẫn đầu là trái phiếu của Đức. Nền kinh tế Đức đã giảm 0,1% trong quý II và kết quả khảo sát trên cho thấy đà giảm này đã nối dài sang quý III/2024. Theo định nghĩa thông thường, một nền kinh tế được cho là suy thoái khi có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Chuyên gia Andrew Kenningham của tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cho biết một diễn biến tích cực là áp lực giá đang giảm xuống. Theo ông, điều này sẽ trấn an ECB và có thể làm tăng khả năng ngân hàng này tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 10/2024.

Theo số liệu điều chỉnh của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), nền kinh tế Eurozone trong quý II/2024 tăng trưởng thấp hơn ước tính trước đó.

Trong quý II/2024, Eurozone đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 0,2% so với quý trước đó, thấp hơn mức ước tính 0,3% được đưa ra hồi tháng Bảy.

Eurostat cũng đã điều chỉnh số liệu tăng trưởng kinh tế của EU, theo đó khối này đã tăng trưởng 0,2% trong quý vừa qua, thấp hơn một chút so với mức ước tính trước đó là 0,3%.

Các số liệu điều chỉnh nói trên có thể sẽ làm gia tăng những lo ngại về Eurozone, đặc biệt là đối với Đức, khi sự suy yếu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đè nặng lên tình hình chung của khu vực.

Nhà kinh tế tại HCOB, Norman Liebke, lưu ý rằng sự thúc đẩy liên quan đến Olympic Paris 2024 dường như chỉ là tạm thời, bằng chứng là điều kiện việc làm ngày càng tồi tệ, kỳ vọng sản lượng yếu hơn và lượng công việc tồn đọng giảm dần.

Ông de la Rubia cho rằng động lực đến từ Olympic Paris 2024 ở Pháp có thể không được duy trì lâu dài và những khó khăn trong lĩnh vực sản xuất có thể sớm ảnh hưởng đến các dịch vụ.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan, Olli Rehn, nhận định lạm phát trên đà đạt mức mục tiêu trung hạn 2% của ECB vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay, nhưng những tiến bộ đáng kể đã đạt được kể từ khi lạm phát chạm mức đỉnh 10,6% vào tháng 10 năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước