Báo chí châu Âu đã có nhiều bài phân tích chính sách duy trì lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha cho rằng, chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu dựa trên 2 yếu tố.
Thứ nhất là chưa rõ biến thể Omicron ảnh hưởng đến tăng trưởng ra sao nhưng rất có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế. Thứ hai là Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn cho rằng lạm phát chỉ là hiện tượng nhất thời, có thể lên tới 3,2% trong năm tới, nhưng rồi sẽ giảm xuống 1,8% trong các năm sau.
Duy trì dòng tiền giá rẻ trong lúc lạm phát gia tăng thì có phi lý hay không? Xung quanh nội dung này, tờ Die Presse ra tại Áo viết về tình thế tiến thoái lưỡng nan của các Ngân hàng Trung ương. Lạm phát tại Eurozone đã là 4,9%, còn tại Mỹ lên tới 6,8% nhưng không giống như Cục dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu không thấy cần phải thay đổi lãi suất.
Bởi vì phía châu Âu thấy rằng tăng lãi suất cơ bản lợi ít hại nhiều, tăng lãi suất đột ngột có thể chặn đà phục hồi kinh tế. Đứng ở góc độ nhà đầu tư tài chính, tăng lãi suất là cần thiết để bù đắp thiệt hại do lạm phát. Nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp, tăng lãi suất lại là tai hại.
ECB khẳng định tiếp tục nới lỏng tiền tệ và không tăng lãi suất cơ bản. (Ảnh: Corporate Finance Institute).
Tờ Diario de Noticias ra tại Bồ Đào Nha tóm tắt quan điểm của bà Christine Lagarde: Doanh nghiệp đang phải chịu đựng quá nhiều vấn đề, khan hiếm thiết bị, nguyên vật liệu và lao động, cộng giá năng lượng tăng vọt tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh. Tăng lãi suất sẽ buộc doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ phải tốn kém thêm nữa vì phải vay tiền hoặc là đảo nợ với lãi suất cao hơn.
Tờ Le Soir của Bỉ có cách giải thích khá dễ hiểu. Lãi suất cao không chỉ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, mà còn làm cho người tiêu dùng không muốn vay tiền mua nhà mua xe. Lãi suất cao làm tăng gánh nặng lãi suất mà các Chính phủ phải trả, trong khi các chính phủ đang vay nợ rất nhiều để có tiền trợ cấp cho các đối tượng bị thiệt hại do phong toả phòng dịch.
Chịu thiệt hại từ chính sách lãi suất thấp, cũng chưa phải là các nhà đầu tư tài chính, mà theo bài báo là những người có tiền tiết kiệm nhưng không đầu tư vào cổ phiếu hay bất động sản. Lạm phát làm cho số tiền tiết kiệm trong ngân hàng teo tóp, nhưng không có lãi suất cao hơn bù vào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!