Cụ thể, Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) chứa chất Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.
Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam - VIFON (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) và nước này đã trả lại lô hàng.
Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia. Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép nên đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.
Một số sản phẩm mì ăn liền Việt Nam bị cảnh báo ở EU. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Theo Tiến sĩ Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), đối với chỉ tiêu Ethylene Oxide, mỗi quốc gia có một quy định khác nhau. Quy định này của thị trường EU là thấp nhất.
"Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý khi có sản phẩm vi phạm theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), sản phẩm đó có thể bị thu hồi, tiêu hủy hoặc bị trả về nơi sản xuất", ông Nam cho biết, "tùy theo mức độ vi phạm, EU sẽ thực hiện việc này chứ không phải tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này vào thị trường EU đều bị thu hồi".
Cũng theo ông Nam, hiện nay EU đang áp tần suất kiểm tra sản phẩm mì tôm của Việt Nam vào thị trường này ở mức 20%. Việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của thị trường EU rất dễ ảnh hưởng đến nỗ lực của các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU.
"Những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mì ăn liền, đặc là mì tôm vào thị trường EU cần kiểm soát tốt chỉ tiêu Ethylene Oxide, vì theo quy định của thị trường này, ngưỡng an toàn của chỉ tiêu này là rất thấp, vì vậy cần kiểm soát tốt từ nguyên liệu đầu vào", ông Nam lưu ý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!