Điều này đang đe dọa có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế của chính nước láng giềng Anh, vốn cũng đang sử dụng các loại vaccine có nguồn nhập khẩu từ châu Âu.
Theo điều tra của Sky News, kế hoạch hạn chế xuất khẩu vaccine của EU sẽ chưa có tác động tức thì đến phía Anh, bởi trong số khoảng 30 triệu liều vaccine đã được tiêm ở nước này, một phần lớn đến từ 2 nhà máy của AstraZeneca trên đất Anh hoặc nhập khẩu từ Ấn Độ.
Tuy nhiên, điều tra này cũng cảnh báo, nguồn cung của AstraZeneca sẽ chậm lại trong tháng 4, buộc Anh phải dựa nhiều hơn vào nguồn cung vaccine của Pfizer, vốn được nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tờ Người Bảo vệ tính toán, việc không tiếp cận được nguồn cung từ châu Âu có thể làm chương trình tiêm chủng của Anh bị chậm tới 2 tháng so với kế hoạch.
Thủ tướng Boris Johnson ngay lập tức trấn an, chính phủ của ông hiện chưa có thay đổi nào về chính sách mở cửa nền kinh tế dù có gặp biến động nguồn cung vaccine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Chúng ta cần dòng chảy thương mại đều đặn và ổn định để đảm bảo nguồn thực phẩm và dược phẩm thiết yếu và chúng tôi sẽ không vội vàng đưa ra quyết định nào có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại này, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và người dân Anh".
Dù vậy, Thủ tướng Anh cũng thừa nhận, nếu lệnh cấm kéo dài hơn 6 tuần sẽ là vấn đề lớn. Điều này lý giải cho việc dù cứng rắn chỉ trích, nhưng phía Anh vẫn muốn để ngỏ cánh cửa đàm phán với EU lúc này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Reuters)
"Việc phát triển và phân phối vaccine là kết quả của một chiến dịch hợp tác toàn cầu. Chúng tôi không tin hiệu quả của những kế hoạch nhằm "phong tỏa vaccine" hay các loại nguyên liệu đầu vào. Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc với các đối tác châu Âu để tiếp tục đảm bảo nguồn cung", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.
Từ chỗ sụt giảm nặng nề nhất trong nhóm G7, kinh tế Anh dự báo tăng trưởng đến 5,1% trong năm nay, nhờ chiến dịch chủng ngừa và các gói kích thích.
Bộ Tài chính Anh kỳ vọng, tốc độ mở cửa được giữ vững có thể giúp kinh tế Anh trở lại mức trước đại dịch vào giữa năm 2022, sớm hơn nửa năm so với dự tính ban đầu. Nhưng các cột mốc này có thể sẽ lại một lần nữa rơi vào rủi ro, nếu hàng triệu người dân Anh phải chịu trì hoãn tiêm vaccine trong nhiều tháng, dẫn đến kéo dài các lệnh đóng cửa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!