Trải qua 14 vòng đàm phán, nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, các phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán, các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức, vượt qua rất nhiều khó khăn, từ ngày mai (1/8), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực.
Có thể nói đây là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại của đất nước.
Ngày 1/8/2020: Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
Việt Nam và Liên minh châu Âu là hai nền kinh tế có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế cũng như có sự khác biệt về hệ thống chính trị, văn hoá và lối tư duy. EVFTA lại là một Hiệp định thế hệ mới toàn diện, tiêu chuẩn cao, mức độ hội nhập sâu rộng. Trong Hiệp định có rất nhiều cam kết trong nhiều lĩnh vực mà ta chưa từng có trong bất kỳ FTA nào trước đây như Chỉ dẫn địa lý (GI), Mua sắm chính phủ (GP) hay Thương mại phát triển bền vững (TSD). Ngoài ra, có rất nhiều nội dung cam kết có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các cách tiếp cận của ta trong các FTA trước đây
Giá trị được cộng đồng doanh nghiệp trong nước kỳ vọng là ngay khi EVFTA có hiệu lực EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, năm 2027 EU sẽ mở rộng diện xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Phần 0,3% còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác thương mại dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây.
Những mốc thời gian chính quan trọng trong công cuộc đàm phán Hiệp định:
Tháng 10/2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6/2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA
Tháng 12/2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6/2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Tháng 6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8/2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25/6/2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.
Ngày 30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.
Ngày 21/1/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh Châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.
Ngày 30/3/2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA.
Ngày 8/6/2020: Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA.
Ngày 1/8/2020: Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!