Gần 70% lao động ngành điện tử chưa có bằng cấp, chứng chỉ

Đinh Hương-Thứ tư, ngày 31/01/2018 15:10 GMT+7

(Ảnh minh họa: baodautu.vn)

VTV.vn - Đó là con số được TS Chử Thị Lân công bố tại Tọa đàm "Thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam" diễn ra sáng nay (31/1) tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH cho biết, trong 10 năm qua, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử (DN điện tử) tăng nhanh chóng tại Việt Nam: Từ 307 DN vào năm 2006 lên 1.165 DN năm 2015 (tăng 16,3%/năm). Trong đó, DN điện tử FDI có xu hướng tăng từ 30,29% năm 2006 lên 47,64% năm 2015.

Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do đã thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, nhất là ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Lao động việc làm trong ngành điện tử cũng tăng nhanh chóng về sống lượng: 141.780 người vào năm 2009 lên 186.154 người vào năm 2013 và lên 453.181 người vào năm 2016. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động nữ trong DN điện tử rất cao với khoảng 69% và chủ yếu là lao động trẻ dưới 35 tuổi.

TS. Lân cũng cho biết, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động đang làm việc trong ngành điện tử không cao: 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ. 80% DN điện tử gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật.

Gần 70% lao động ngành điện tử chưa có bằng cấp, chứng chỉ - Ảnh 1.

TS. Chử Thị Lân phát biểu tại Tọa đàm.

Về thu nhập, TS. Lân cho biết, thu nhập bình quân tháng/lao động ngành điện tử trong khu vực FDI cao hơn so với DN điện tử chung và các ngành khác. Đáng chú ý, khoảng 80% lao động trong ngành điện tử tham gia làm thêm giờ.

Từ thực trạng trên, TS. Chử Thị Lân đưa ra đề xuất, DN ngành điện tử cần tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và pháp luật lao động để góp phần thúc đẩy việc làm bền vững trong các DN điện tử. Từ đó, góp phần loại bỏ sử dụng lao động cưỡng bức, lao động trẻ em; đảm bảo an ninh việc làm, việc làm ổn định tránh sa thải lao động tùy tiện; chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, DN điện tử tham gia đào tạo phát triển kỹ năng phù hợp với kỷ nguyên công nghệ mới; cung cấp môi trường lao động an toàn và đảm bảo tiền lương, phúc lợi cho người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước