Gặp ông chủ bán hàng bằng… "niềm tin" đầu tiên ở Việt Nam

Thùy An-Thứ ba, ngày 01/11/2016 14:57 GMT+7

Cửa hàng Mama Fanbox nằm trên phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội

VTV.vn - Cửa hàng không có người bán, một mô hình khá phổ biến tại Nhật Bản đã chính thức "cập bến" tại Việt Nam trên một con phố tại Hà Nội.

Với diện tích chỉ khoảng 20m2, Mama Fanbox có vẻ bề ngoài không quá khác biệt với những cửa hàng trên con phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Tuy nhiên với những khách hàng đã từng vào đây, Mama Fanbox đem đến một sự trải nghiệm hoàn toàn mới bởi Mama Fanbox là cửa hàng không có người bán đầu tiên tại Hà Nội cũng như ở Việt Nam. 

Gặp ông chủ bán hàng bằng… niềm tin đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 1.

Menu tại cửa hàng không người bán Mama Fanbox

Mama Fanbox có một chiếc tủ lạnh bày đủ các loại nước uống, chocolate và rất nhiều kem tươi. Đến Mama Fanbox, khách hàng tự chọn đồ dựa trên thực đơn được nhà hàng niêm yết. Lựa chọn xong đồ, khách hàng sẽ đến quầy thanh toán, sau đó tự dùng dụng cụ quét mã vạch sản phẩm, giá sẽ được hiện trên máy tính, khách hàng chỉ việc điền số điện thoại rồi máy sẽ in hóa đơn. 

Gặp ông chủ bán hàng bằng… niềm tin đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 2.

Điểm đặc biệt tại Mama Fanbox là khách hàng phải tự thanh toán sản phẩm mình mua

Sau đó, khách hàng sẽ cho tiền cùng hóa đơn vào bao nilong được nhà hàng chuẩn bị sẵn, thả vào thùng thanh toán. Cuối cùng, khách hàng có thể thưởng thức sản phẩm mình mua tại Mama Fanbox.

Dù đã được biết đến nhiều tại Nhật Bản, tuy nhiên việc đưa Mama Fanbox vào hoạt động Việt Nam, được đánh giá là một quyết định đầy táo bạo.

Phóng viên VTV News đã có cuộc trò chuyện với Đào Khánh Hiệp, ông chủ của Mama Fanbox để hỏi thêm về cửa hàng bán hàng bằng "niềm tin" này.

Từ ý tưởng nào anh quyết định thành lập cửa hàng không có người bán - mô hình chỉ thấy ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản?

Có lần mình đọc một bài báo về mini shop của Nhật, họ nói đức tính trung thực của người Nhật in đậm ở mô hình này khi người nông dân bày hàng hóa vào kệ, dán giá vào và đi làm. Sau đó khách hàng mua thì tự bỏ tiền vào thùng, đến cuối ngày người nông dân bê thùng tiền về nhà.

Mình thấy như thế hiệu suất kinh tế tăng ít nhất gấp đôi nhờ vào đức tính trung thực vì người nông dân vừa có thể trồng trọt và bán hàng. Từ đó mình nghĩ rằng sao không thử mở một mô hình như vậy, vì tôi vừa có thể sản xuất, vừa có thể bán hàng mà lại tạo nên một văn hóa tiêu dùng mới cho chính khách hàng thân quen của cửa hàng.

Trong quá trình triển khai ý tưởng anh có gặp phải khó khăn gì không, đặc biệt là hệ thống công nghệ, hướng dẫn khách mua hàng vì tất cả đều là tự động?

Trong quá trình triển khai đương nhiên là gặp rất nhiều phản đối từ gia đình bạn bè bởi họ cho rằng Việt Nam không phù hợp để triển khai mô hình như vậy. Họ bảo mình ảo tưởng, sống trên mây và hãy xuống đất cho thực tế đi. Về cơ bản là 70% cho là không thể làm được, 30% vẫn khuyên là nên thử, nhưng dù có 90% phản đối thì tôi vẫn cứ làm, tôi thích thì tôi làm thôi.

Khi nói đến cửa hàng không có người bán, có lẽ ý nghĩ đầu tiên của nhiều người sẽ là: Anh không sợ khách không trả tiền à, không sợ mất tiền à? Anh có gặp phải câu hỏi đó trong quá trình thực hiện không? Và anh trả lời câu hỏi ấy như thế nào?

Tôi thường xuyên gặp những câu hỏi đó trong quá trình thực hiện cho đến tận bây giờ.

Câu trả lời của tôi là: Nếu bạn muốn khách hàng trung thực, bạn cần phải tin tưởng họ đã. Khi trao niềm tin trước bạn sẽ nhận lại được điều tương tự từ khách hàng của mình.

Vậy còn trên thực tế gì sau, sau một thời gian hoạt động thì sao, có khi nào cửa hàng gặp phải sự cố là khách không thanh toán hay phải đưa khách vào danh sách đen hay chưa?

Trên thực tế tôi chưa gặp trường hợp nào cả, một phần vì khách hàng của chúng tôi thật sự rất tuyệt vời, họ trung thực đến mức khi tôi chạy chương trình khuyến mại 140.000 VNĐ còn 100.000 VNĐ, nhưng trên hộp vẫn có số 140.000 VNĐ, họ lại quay lại trả thêm tiền vì tưởng là mình trả thiếu.

Để làm được cửa hàng như thế này, tôi nghĩ anh phải có niềm tin rất lớn vào khách hàng. Anh suy nghĩ thế nào về điều này?

Tôi cho rằng việc trao niềm tin cũng giống như việc cho và nhận. Tôi rất tin tưởng vào khách hàng của mình, tôi muốn cùng họ tạo nên một văn hóa tiêu dùng mới để thay đổi cách nhìn nhận của người Việt về người Việt. Tôi muốn lồng ghép văn hóa tiêu dùng vào sản phẩm và tìm ra được những khách hàng tử tế và lan tỏa sự tử tế đó ra ngoài. Rất nhiều người tốt xung quanh chúng ta, họ chỉ chưa có chỗ để thể hiện mà thôi.

Tôi nghe nói anh có dự định phát triển cửa hàng này thành một chuỗi, anh có thể tiết lộ thêm về kế hoạch này không? Hiện cửa hàng mới chỉ bán chủ yếu là các loại đồ uống, đồ ăn vặt, anh có ý định mở rộng mặt hàng hay không?

Hiện tại tôi chưa có thông tin gì thêm về việc mở thành chuỗi vì giải pháp kỹ thuật đến nay vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm và cần nâng cấp rất nhiều để khách hàng có thể sử dụng một cách đơn giản nhất.

Về sản phẩm tôi sẽ đa dạng hóa những sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như chocolate tươi, chocolate nghệ thuật, chocolate vỉ, kem tươi, các loại nước uống, cà phê, bánh.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Độc đáo mô hình cửa hàng không người bán tại Hà Nội Độc đáo mô hình cửa hàng không người bán tại Hà Nội

VTV.vn - Tại Hà Nội, một cửa hàng với mô hình không người bán theo phong cách từ Nhật Bản đã và đang thu hút được nhiều sự chú ý từ khách hàng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước