Ảnh minh họa.
Theo người phát ngôn Gazprom, tập đoàn này đã cung cấp khí đốt của Nga thông qua tuyến đường ống dẫn khí trên lãnh thổ Ukraine theo yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu - hơn 79 triệu m3 khí đốt trong ngày 10/4.
Khối lượng khí đốt này ít hơn mức đặt ra trong các đơn đặt hàng dài hạn trước đó là khoảng 109 triệu m3 khí đốt mỗi ngày.
Một ngày trước đó, Gazprom cũng đã cung cấp hơn 78 triệu m3 khí đốt thông qua đường ống dẫn khí trên lãnh thổ Ukraine.
Ngày 10/4, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách vấn đề khí hậu Frans Timmermans cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng hơn trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, trong bối cảnh EU đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu thay thế cho dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EC đã đề xuất châu Âu cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và lên kế hoạch loại bỏ mặt hàng này vào năm 2027.
27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí giảm 55% tổng lượng phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990, một bước đi hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
EC dự kiến sẽ đề xuất kế hoạch "Repower EU" vào tháng 5 tới về cách EU có thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!