GDP năm 2022 ước tăng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 20/10/2022 11:45 GMT+7

VTV.vn - GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022.

Trình bày, báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo tuy nhiên theo Uỷ ban Kinh tế, cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu.

Trong đó nổi bật là về tăng trưởng kinh tế khi bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. Cụ thể, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, nhất là Quý III tăng 13,67%.

Xét theo địa bàn, sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương khi có 44/63 tỉnh/thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt trên 6%.

"Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu.

GDP năm 2022 ước tăng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Ngoài tăng trưởng kinh tế, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết 9 tháng đầu năm 2022, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Ước cả năm, CPI tăng khoảng 4%, đạt mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng đầu năm là hơn 163.000 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn cùng kỳ từ trước đến nay, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021. Có đến 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, USD tăng giá trên thị trường thế giới, nhiều đồng tiền mất giá lớn so với USD. Song tỷ giá VND/USD trong 9 chỉ tăng khoảng 4,8% và được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

"Thanh khoản thị trường tiền tệ được bảo đảm, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát", báo cáo cho biết.

Bên cạnh những mặt tích cực, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề. Theo đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai song kết quả còn khiêm tốn. Tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình.

Về chi ngân sách Nhà nước, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế đánh giá tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả. Ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, mới chỉ đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, tình hình lạm phát được kiểm soát, song trong thời gian từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu…

Cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát  

Về các giải pháp điều hành cho những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.

GDP năm 2022 ước tăng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới - Ảnh 2.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng

Trong đó, chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt hơn và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát.

"Việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán để kiểm soát lạm phát, hạn chế rủi ro tài chính", báo cáo của Uỷ ban kinh tế nêu.

Ngoài ra, cần duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng.

"Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước", Uỷ ban Kinh tế đề nghị.

Với chính sách tài khoá, Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với liều lượng phù hợp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo Ủy ban Kinh tế, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước