Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của nước Nga là âm 2,7%. Đây là số liệu mới nhất được Hãng thông tấn Nga Tass trích dẫn từ phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov hôm 29/12. Như vậy, mức suy giảm 2,7% được xem thấp hơn nhiều so với dự đoán của phương Tây là từ 3,4% - 4,5% sau khi kinh tế Nga chịu hơn 10.000 lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Giới chức Nga cho rằng năm 2023 sẽ khá thách thức đối với nền kinh tế nước này, xét về khía cạnh tài chính và thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, tình hình dự kiến sẽ tốt hơn năm 2022, nếu không có vấn đề phát sinh.
Trong phát biểu mới nhất, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrey Belousov cho biết, tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2023 sẽ dao động từ mức âm 1% đến 0%. Lạm phát tại Nga năm sau được dự báo khoảng 5 - 6%.
Hiện Ngân hàng Trung ương Nga đang theo dõi tình hình và có thể tiếp tục nới lỏng chính sách hơn nữa. Trong khi đó, Bộ Phát triển Kinh tế Nga nhận định lạm phát của nước này trong năm 2023 sẽ ở mức 5,5%. Tuy nhiên, Chính phủ Nga dự kiến năm 2023 sẽ thuận lợi hơn so với năm trước trừ khi có những biến cố bất ngờ.
Nhiều nước đã áp các lệnh trừng phạt, đặc biệt là về kinh tế nhằm vào Nga. Ảnh: The New York Times.
Nga sẽ trông đợi vào các yếu tố nào để phục hồi các chỉ số kinh tế?
Theo nhiều nhà phân tích, nước Nga có những yếu tố để kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế đó là chuỗi hậu cần được xây dựng lại, quá trình thay thế nhập khẩu tích cực hơn, nhập khẩu song song và chuyển hướng dòng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Trên tờ Izvestia, chuyên gia kinh tế Olga Belenkaya cho rằng, trước các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu, việc thanh toán quốc tế và hậu cần bị thắt chặt, nhiều công ty đã phải xây dựng lại mô hình kinh doanh. Cụ thể là tìm kiếm đối tác ngoại thương mới, thay đổi chuỗi hậu cần hoặc chuyển sang việc sản xuất các linh kiện trước đây phải nhập khẩu.
Điều này góp phần vào sự phục hồi tích cực hơn của nền kinh tế và lạm phát tiếp cận nhanh hơn với mục tiêu 4% bằng cách loại bỏ các hạn chế nguồn cung và bão hòa thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, các chương trình nhà nước về phát triển công nghiệp, công nghệ và khoa học, được tài trợ từ ngân sách đã đem lại hiệu quả sau một thời gian khởi động. Ở thời điểm năm 2020, có 42 dự án quốc gia, chiếm 70% tổng chi tiêu ngân sách - khoảng 10.000 tỷ Ruble, tương đương 137 tỷ USD.
Một điều đáng chú ý nữa là sự phục hồi về tâm lý trong nền kinh tế Nga sau hàng loạt lệnh trừng phạt sâu rộng của Phương Tây. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Yakov & Partners, một nửa số công ty lớn nhất của Nga khẳng định điều kiện kinh doanh trong nước đã được cải thiện và 3/4 kỳ vọng tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện vào năm 2023.
Năm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Nga
Năm 2023 vẫn có thể là năm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Nga. Đây sẽ là giai đoạn mà hiệu lực của các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đầy đủ đến tất cả các lĩnh vực.
Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt thứ cấp trong gói thứ 9 sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp và nhà nước Nga mất đi nhiều đối tác nước ngoài hơn nữa trong lĩnh vực khai thác và năng lượng. Cũng như hậu quả của việc áp dụng trần giá dầu đang được thực hiện, việc thiếu đầu tư nước ngoài sẽ được cảm nhận một cách toàn diện.
Sản lượng khí đốt của Nga trong năm 2022 giảm 12% so với năm trước, còn xuất khẩu giảm 25%. Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng Nga Andrey Belousov mới đây dù cho rằng năm 2023 có thể sẽ "dễ thở" hơn đối với kinh tế Nga, nhưng vẫn phải thừa nhận đây sẽ là giai đoạn thách thức với nước Nga trong vấn đề tài chính và thâm hụt ngân sách.
Sản lượng khí đốt của Nga trong năm 2022 giảm 12% so với năm trước, còn xuất khẩu giảm 25%. Năm 2023, sản lượng dầu có thể bị cắt giảm từ 500 nghìn đến 700.000 thùng mỗi ngày, tương đương với 5 - 7% tổng sản lượng khai thác dầu của Nga. Thâm hụt ngân sách liên bang của Nga vào năm 2023 được dự đoán ở mức 2% GDP, tương đương 3.000 tỷ Ruble, hơn 46 tỷ USD.
Trong khi đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn đang diễn ra tại Ukraine, điều này có nghĩa những khoản chi không lường trước được của ngân sách vẫn còn tiếp tục.
Chính phủ Nga đã triển khai chỉ thị của Tổng thống Putin, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế trước áp lực bên ngoài, mục tiêu là không chỉ giúp duy trì ổn định ngân sách mà còn hỗ trợ các ngành then chốt và quan trọng nhất là người dân Nga.
Nền kinh tế Nga hiện tại cũng đã có một vài "điểm sáng": sản xuất công nghiệp đang tiếp tục phục hồi, đầu tư vào tài sản cố định đang tăng lên, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4%.
Nga điều chỉnh dự báo kinh tế VTV.vn - Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga, GDP năm 2022 sẽ suy giảm 3 - 3,5%, nhẹ hơn so với mức 4 - 6% trong dự kiến trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!