Theo số liệu cung cấp bởi Harvey Nash - tập đoàn tuyển dụng nhân sự cấp cao ngành công nghệ - 1 triệu cơ sở y tế trên thế giới dùng phần mềm được phát triển bởi kỹ sư Việt Nam nhằm giảm các lỗi y tế, cải thiện khả năng chăm sóc bệnh nhân. 4 triệu trẻ em tại Anh đang dùng phần mềm dạy học do kỹ sư Việt Nam viết. 200 triệu người dùng Google đang tìm kiếm trực tuyến sử dụng phần mềm gắn thẻ (tag) ảnh được các lập trình viên Việt Nam cung cấp.
Ấn Độ nhiều năm được coi là nước đứng đầu thế giới về dịch vụ thuê ngoài (BPO) nhưng thời gian đã thay đổi mọi thứ. Theo Hiệp hội thương mại Nasscom, ngành công nghiệp BPO Ấn Độ vừa chứng kiến sự sụt giảm số lượng việc làm lớn nhất trong 7 năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) cũng tăng hai năm liền. Trong khi đó, Việt Nam được biết đến là xưởng gia công phần mềm nhỏ nhưng rất mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Forbes bình luận, ít người tin rằng Việt Nam có thể trở thành một Thung lũng Silicon thứ hai nhưng tinh thần công nghệ cùng vô vàn nhân tài khiến nhiều người thực sự liên tưởng khởi đầu của ngành công nghệ Mỹ trước đây.
Theo công bố mới đây của hãng tư vấn AT Kearney, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 55 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm năm 2017. Thành công này khiến các đối tác Ấn Độ phải lo ngại khi các công ty như Intel, IBM, Samsung Display, Nokia và Microsoft tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn nhân lực cho IT của Việt Nam được bài báo đánh giá cao qua hai vấn đề: Việt Nam phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao để cạnh tranh với Singapore, Malaysia và Philippines, bằng cách triển khai STEM vào giáo dục phổ thông (STEM viết tắt của Khoa học, Công nghệ, kỹ thuật và Toán học); sự đa dạng về giới tính trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam cũng rất ấn tượng. Hiện tại, Harvey Nash đang sử dụng nhân viên là nữ giới nhiều hơn nam giới và nữ giới đang dẫn đầu, tốc độ thăng tiến ngang bằng nam giới.
AI, learning machine hay blockchain là những xu hướng mới được Việt Nam tiếp cận nhanh chóng và cung cấp giải pháp với chi phí hợp lý. Với hầu hết doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thuê ngoài hay gia công phần mềm từ Việt Nam, thách thức lớn nhất là phải thích nghi với đội ngũ kỹ sư lành nghề có khoảng cách hơi xa.
Kỳ vọng ở Việt Nam của các tập đoàn lớn đó là tận dụng khác biệt múi giờ tạo lợi thế năng suất, nghĩa là lợi thế của gia công phần mềm ở Việt Nam cho các doanh nghiệp phương Tây chính là chu kỳ sản xuất gần 24h. Nhưng trở ngại lớn nhất cho sự phối hợp từ Việt Nam không đến từ trình độ chuyên môn IT mà đến từ kỹ năng ngôn ngữ khi hơn 87% nhân sự IT chỉ đạt mức trung bình hoặc dưới trung bình về ngoại ngữ.
Cơ hội là rất lớn khi Việt Nam tham gia vào CPTPP và được hưởng ưu đãi cho thành viên tham gia hiệp định khi Ấn Độ và Trung Quốc không tham gia. Tuy nhiên, việc cải thiện trình độ kỹ sư IT qua giáo dục và nâng cấp các kỹ năng nên trở thành ưu tiên số 1 ngày lúc này khi Gartner - hãng tư vấn công nghệ thông tin uy tín, dự báo tới năm 2025 việc lập trình sẽ do máy móc tự động hóa đảm nhiệm, buộc nhân lực IT phải chuyển đổi và tiếp quản những mảng cao cấp hơn nếu không đủ trình độ tự khắc sẽ bị đào thải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!