Thị trường dầu mỏ đang phải liên tiếp đối mặt với những biến động. Lệnh cấm vận của Mỹ với Iran chưa nguôi lại đến những bất ổn tại Venezuela và hiện nay là vòng xoáy xung đột tại Libya.
Giá dầu Brent trong phiên giao dịch gần nhất đã bị đẩy lên mức 71 USD/thùng, sau khi Chính phủ được Liên Hợp Quốc ủng hộ của Lybya thề sẽ chặn đứng bước tiến của lực lượng đối lập đang nhăm nhe tràn vào thủ đô. Diễn biến này khiến không ít người lo ngại, bởi ngay cả trước khi bất ổn tại Libya đẩy giá dầu vọt tăng, vàng đen của thế giới cũng đã có một quý chứng kiến mức giá bình quân cao nhất trong vòng một thập kỷ.
Theo Thời báo Khaleej (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), Ngân hàng Bank of America đã đưa ra dự báo giá dầu sẽ còn bị đẩy lên mức bình quân 74 USD/thùng trong quý II/2019. Nhưng đáng nói, đây mới chỉ là dự báo trước khi Libya bị chìm vào trong xung đột và bạo lực. Tình huống như hiện nay không khó để dự báo giá dầu sẽ còn bị đẩy lên cao.
Câu hỏi nhiều người lúc này đang đặt ra đó là: Khi thị trường dầu đang phải cùng lúc hứng chịu 3 cơn chấn động đến từ Iran, Venezuela, Libya, cùng lúc OPEC dẫn đầu là Saudi Arabia lại vẫn cứ cương quyết cắt giảm sản lượng, giá dầu sẽ còn bị đẩy đi tới đâu? Nhưng có vẻ như giới quan sát lại cảm thấy không thực sự bi quan như nhiều người nghĩ.
Theo báo The National, vẫn có thể nhận thấy thị trường cũng đang ẩn chứa những yếu tố sẽ kéo giá dầu hạ nhiệt từ nay đến cuối năm đó là Nga đang ngày càng cho thấy không còn mặn mà tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC. Nhiều người vẫn nhớ, OPEC trước khi có sự sát cánh của Nga đã từng để giá dầu tuột dốc như thế nào trước sự nổi lên của dầu khi đá phiến.
Phải nói rằng, dầu khí đá phiến đã mang đến những thực tế rất khác trong bức tranh dầu mỏ của thế giới. Những biến động nguồn cung từ các nhà khẩu dầu truyền thống nếu như trước kia đương nhiên làm chao đảo thị trường dầu thì nay có thể không còn nữa.
Thời báo Arab của Kuwait, một trong những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của OPEC, trong bài viết mới đây cũng phải thừa nhận, Mỹ giờ đây mới là nhân tố chi phối giá dầu. Với lượng dự trữ dầu chiến lược lên tới 700 triệu thùng, cùng sản lượng đạt tới 12,2 triệu thùng/ngày và còn có thể tăng hơn nữa, Washington đang nắm chiếc chia khóa chi phối thị trường dầu chứ không còn là OPEC, hay OPEC mở rộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!