Thực tế tình hình giá dầu thế giới?
Khi dầu có lúc xuyên thủng mốc 35 USD/thùng ở sàn Nymex New York, người ta bắt đầu nghĩ liệu còn có thể rơi về đâu, nhưng thực tế cái chúng ta thường theo dõi chỉ là hai hàn thử biểu chính, dầu thô trên sàn Nymex và dầu Brent biển Bắc trên sàn London, mà có thể không để ý có những nơi giá dầu đã về gần đến 20 USD/thùng. Dầu thô Mexico đang bán dưới 28 USD/thùng, Iraq bán dầu cho một số đối tác châu Á với 25 USD/thùng, hay ở Tây Canada, một số nhà sản xuất đang bán dầu dưới 22 USD/thùng. Và ở những mức giá này đang có đến 1/3 hoạt động sản xuất dầu toàn cầu là không sinh lời.
Giá dầu còn rơi về đâu?
Những nước đang bán dầu với mức giá thấp nhất lại đang là những nước kiên quyết nhất với lập trường tiếp tục tăng nguồn cung, tức là chúng ta nên chuẩn bị tâm lý viễn cảnh dầu còn có thể giảm nữa. Cuộc chiến giữa Opec và công nghệ sản xuất dầu đá phiến của Mỹ là khởi nguồn cho câu chuyện giá cả này, xem ra dù giá dầu như bây giờ thì vẫn chưa phải là hồi kết.
Đã từng có ước tính mức chi phí sản xuất để hòa vốn của các công ty dầu đá phiến Mỹ ít nhất là trên 60 USD/thùng, nhưng theo một nghiên cứu mới, nhiều mỏ ở Bắc Dakota, giá bán hòa vốn giờ còn chưa đến 30 USD. Saudi Arabia chắc chắn chưa sớm chịu thua, đặc biệt khi nhìn vào mức dự trữ ngoại hối nước này hiện nay và khả năng được nhiều người dự đoán là thả nổi đồng Riyal nếu cần thiết.
Iran với thỏa thuận hạt nhân vừa ký cũng muốn tăng cường xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế, tức là đẩy mạnh bán dầu. Còn Nga, 50% thu ngân sách là từ dầu và đồng Ruble đã thả nổi từ năm ngoái khi dầu bắt đầu giảm. Điều này có lợi trong bối cảnh dầu tiếp tục giảm, vì hợp đồng xuất khẩu chủ yếu trả bằng USD hay Euro, đổi ra được nhiều Ruble hơn.
Tóm lại, giá dầu chưa có dấu hiệu dừng lại và theo nhận xét từ Ngân hàng Goldman sachs, hãy chuẩn bị tâm lý dầu có thể còn xuống đến 20 USD/thùng trong năm tới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!