Giá dầu tăng cao, túi tiền vơi bớt

VTV Digital-Thứ ba, ngày 01/03/2022 06:17 GMT+7

VTV.vn - Giá dầu tăng khiến lạm phát leo thang đang ảnh hưởng lớn đến túi tiền của người dân trên toàn cầu.

Dầu là nhiên liệu tối quan trọng để vận hành đối với rất nhiều ngành nghề và dịch vụ. Việc giá dầu tăng phi mã, đương nhiên ảnh hưởng không nhỏ tới lạm phát và túi tiền của người tiêu dùng nhiều nước.

Như tại Mỹ, chi phí sinh hoạt trong tháng 1 vừa qua đã tăng tới 7,5% so với cùng kì năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 40 năm. Tờ WSJ đưa ra một con số "giật mình", lạm phát khiến mỗi gia đình tại Mỹ phải chi thêm 276 USD/tháng. 

Còn tại Anh, lạm phát ở mức 5,5%. Cũng cao nhất trong 30 năm qua. Người tiêu dùng Pháp cũng đang trải qua tình trạng tương tự. Một nguyên nhân chính của lạm phát được cho là giá xăng tăng cao.

"Lạm phát chủ yếu là do giá năng lượng và nhiên liệu tăng. Giá nhiên liệu lại chịu tác động trực tiếp từ giá dầu, mà hiện nay căng thẳng giữa Nga và Ukraina đang là mối quan tâm số 1 của thị trường", bà Megran Green - Giảng viên trường Harvard Kennedy cho biết. 

Căng thẳng ở Đông Âu khiến thị trường lo ngại về nguồn cung dầu mỏ của thế giới, trong khi đó gần như ngành nghề dịch vụ nào cũng cần tới xăng dầu. Vì vậy, những biến động ở Ucraina có thể khiến giá vé máy bay cho lần du lịch sắp tới của bạn tăng vọt, hoặc thậm chí là thức ăn trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Vì để có thể canh tác, trồng trọt và thu hoạch nông sản, các loại máy móc cần rất nhiều dầu diesel.

Bộ Nông sản Mỹ dự tính, năm 2022 này, những nông dân tại Mỹ sẽ chi tiêu 16 tỷ USD cho nhiên liệu xăng dầu - tức là tăng tới 35% so với năm 2020. Từ đây sẽ bắt đầu một hiệu ứng domino mà cái đổ cuối cùng chính là túi tiền của người tiêu dùng Mỹ, những người đã chứng kiến giá thực phẩm tăng tới 7% so với cùng kì năm ngoái.

"Khoảng 1/4 số người sống ở lằn ranh đói nghèo tại Mỹ phải thừa nhận rằng họ không đủ ăn, và họ đang phải sống ngày qua ngày với cái bụng đói. Thậm chí những người thu nhập khá hơn cũng có tình trạng không đủ tiền để mua thức ăn", bà Dana Peterson - Nhà kinh tế trưởng tại Conference Board cho biết.

Không chỉ thức ăn, mà bất kỳ sản phẩm nào được vận chuyển bằng tàu biển, tàu hoả, hoặc xe tải, đều tăng giá gián tiếp do giá nhiên liệu xăng dầu tăng. Các doanh nghiệp có hàng hoá được vận chuyển dọc ngang nước Mỹ hoặc trong khu vực châu Âu cũng buộc phải tăng giá sản phẩm của mình, và tăng lương cho người lao động để thích nghi với lạm phát.

Và theo con số của tổ chức của Conference Board, hơn 70% các vị lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng khách hàng của họ sẽ là những người phải gánh cuối cùng các chi phí đội lên này.

Nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu tăng tốc trở lại sau thời gian dài chiến đấu với dịch bệnh. Nhưng tình hình chiến sự và giá dầu đang khiến đường đua trở nên gập ghềnh và khó khăn hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước