Giá dầu thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

VTV Digital-Thứ tư, ngày 23/02/2022 15:45 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Sáng và trưa nay (23/3), giá dầu thế giới vẫn đang có xu hướng tăng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Dầu Brent đang ở mốc 97,19 USD/thùng, trong khi dầu WTI đang quanh mốc 92,29 USD/ thùng. Thị trường đang bàn tán về việc dầu hoàn toàn có khả năng quay lại mốc 100 USD/thùng, thậm chí là 105 USD.

Nga là quốc gia với sản lượng dầu đứng thứ 3 thế giới và mọi căng thẳng đến từ khu vực này đều khiến thị trường dầu nín thở quan sát. Trong khi đó, Saudi Arabia cho thấy họ chưa có ý định để tăng sản lượng dầu cao hơn mức đã cam kết nhằm hạ nhiệt giá dầu.

Đêm qua (22/2), việc Đức hoãn kế hoạch đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 cũng khiến giá nhiên liệu tại châu Âu tăng vọt.

Trước diễn biến bứt tốc của giá dầu, hôm qua, các quốc gia trong nhóm OPEC+ là Iraq và Nigeria cho biết chính sách sản lượng hiện nay của nhóm OPEC+ là đủ để cân bằng thị trường và nhóm này không cần thiết phải tăng sản lượng nhanh hơn kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, theo các số liệu thực tế, sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ đã liên tục không đạt kế hoạch trong những tháng gần đây - yếu tố đã thúc đẩy giá dầu tăng liên tục từ đầu năm, trước cả khi căng thẳng chính trị diễn ra.

Trong khi nguồn cung đang tồn tại rất nhiều lo lắng thiếu hụt, nhu cầu sử dụng dầu thô tiếp tục là thông tin tích cực hỗ trợ giá. Mới đây, Ngân hàng Bank of America cho biết nhu cầu dầu toàn thế giới sẽ tăng trưởng 3,6 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên mức 120 USD/thùng vào giữa năm nay khi thâm hụt cung - cầu ngày càng trở nên rõ ràng.

Không chỉ giá dầu, giá khí tự nhiên cũng tăng thêm gần 2% lên mức 4,46 USD trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Đức đã tạm hoãn cấp giấy phép hoạt động cho đường ống khí đốt Nord Stream 2 của Nga dù phía Nga cho biết sẽ vẫn tiếp tục duy trì nguồn cung khí đốt không bị đứt gãy, bất chấp quyết định của Đức.

Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2021, Nga đã cung ứng hơn 40% lượng khí đột nhập khẩu của EU qua đường ống nên bất kỳ một sự gián đoạn nào về nguồn cung cũng sẽ khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước